Đồng hành và xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp

13/10/2014 11:07

9 tháng đầu năm 2014 có 100 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký 24.820 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 2.290 DN với tổng vốn đăng ký là 11.693,97 tỷ đồng.
Cùng với việc góp phần phát triển KT-XH, các DN đã chung tay giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.V.P

 

Năm nay là năm thứ 10 (13/10/2004 - 13/10/2014) kể từ ngày Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ngày Doanh nhân Việt Nam đã đánh dấu sự thay đổi tư duy trong suốt quá trình đổi mới của đất nước, tạo tâm lý lạc quan, hồ hởi cho toàn xã hội. Hơn 10 năm qua, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nhân đi cùng với sự bùng nổ số lượng doanh nghiệp (DN), nhất là khu vực dân doanh sau khi có Luật DN ra đời năm 2000. Đây chính là nền tảng góp phần tạo ra mức tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Tại Kon Tum, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2014 có 100 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký 24.820 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 2.290 DN với tổng vốn đăng ký là 11.693,97 tỷ đồng.

Thời gian qua do khủng hoảng kinh tế, hàng tồn kho, vay vốn ngân hàng khó khăn, công nhân nghỉ việc hàng loạt, nhiều DN đã phá sản. Qua theo dõi số liệu trên Hệ thống cổng thông tin đăng ký DN quốc gia, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1.803 DN đang hoạt động.

Tuy vậy, vẫn có nhiều DN trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên, không ngừng phát triển, tạo việc làm cho người lao động. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh là 20.938 người, trong đó lao động đã qua đào tạo chiếm 71,4%. Nhiều DN đã ý thức được trách nhiệm xã hội, đến với các chương trình từ thiện, giúp đỡ các gia đình nghèo, gia đình chính sách, xây dựng nhà tình thương, trao học bổng giúp các học sinh nghèo hiếu học như: các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Kon Tum, Công ty Điện lực Kon Tum, Công ty CP Đường Kon Tum, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, Công ty TNHH Bê tông và xây lắp công nghiệp Kon Tum…

Để hỗ trợ DN, trong thời gian qua, tỉnh đã tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN bằng nhiều hình thức, theo hướng đi vào chiều sâu và thiết thực hơn. Tần suất các cuộc gặp gỡ, đối thoại lắng nghe ý kiến từ phía các DN của lãnh đạo tỉnh tăng lên, nhằm qua đó nắm bắt tình hình hoạt động, tâm tư nguyện vọng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên DN sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn… Đây cũng là nội dung quan trọng hàng đầu trong Chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các DN.

Ký kết chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp. Ảnh: L.S

 

Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nhìn nhận: Thông qua các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa DN và lãnh đạo tỉnh, nhiều ý kiến đề xuất của các DN đã được tỉnh quan tâm, tháo gỡ như các lĩnh vực về thuế, ngân hàng, đất đai, định mức trong xây dựng cơ bản… Các buổi gặp gỡ như vậy cũng là cơ hội tốt để chính quyền, ngành chức năng và DN chia sẻ hoạt động của nhau, hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Nguyễn Hữu Hải nhấn mạnh: Các DN khi gặp những vấn đề vướng mắc, khó khăn, cứ mạnh dạn gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh tại những buổi tiếp công dân hàng tuần, đừng đợi tới những hội nghị hay những buổi gặp mặt hàng năm DN mới đề xuất ý kiến thì không kịp thời…

Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đều có những hành động thiết thực đồng hành với DN. Ngành ngân hàng có Chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp; ngành Thuế tổ chức gặp gỡ, trao đổi và giải thích những vướng mắc về thuế, đăng ký thuế qua mạng, thời gian gia hạn nộp thuế…

Song, đánh giá về tính hiệu quả của các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu tại Nghị quyết 01, 02/NQ-CP của Chính phủ, đại đa số các DN đều cho rằng, dường như các giải pháp hỗ trợ thị trường và đầu tư chưa giúp cho DN thoát khỏi nỗi ám ảnh về hàng tồn kho, về nợ xấu. Cộng đồng DN còn quan ngại về những cải cách hành chính chưa rõ rệt, khi mà có đến 30% số cán bộ công chức tại bộ phận một cửa còn hời hợt với công việc và gần 40% số cán bộ công chức chưa am hiểu hết về nghiệp vụ chuyên môn…

Vì vậy, các biện pháp, chính sách hỗ trợ DN phải phát huy được tác dụng; năng lực tổ chức, hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước phải tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi và hiệu quả hơn.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, với bài viết ngắn này, tác giả xin trao đổi để góp phần khẳng định và tôn vinh các DN. Nhưng đối với các DN, phần thưởng cao quý nhất là chính quyền cần tiếp tục tạo cho DN niềm tin và đồng hành cùng DN vượt qua chặng đường gian khó, hỗ trợ DN xây dựng được năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Không gì vui hơn khi DN được góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và chung tay giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trên địa bàn.

Lê Sang

 

Chuyên mục khác