Đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế

30/12/2018 06:52

Sáng tạo, cần cù, ham học hỏi, trong năm qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực trong lao động sản xuất, xây dựng được các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Đồng hành với sự thành công đó, không thể không nói đến vai trò của các cấp bộ Đoàn trong công tác định hướng, vận động tuyên truyền, hỗ trợ, để các đoàn viên thanh niên có thêm điều kiện thực hiện các dự định của mình trên con đường khởi nghiệp.

Trong năm 2018, Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh như: Tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho các đoàn viên thanh niên; mở các lớp đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, hướng dẫn áp dụng thành tựu khoa học kĩ thuật vào các mô hình sản xuất; tạo nguồn vốn vay ủy thác cho các mô hình khởi nghiệp; tư vấn xuất khẩu lao động đối với những đoàn viên thanh niên có nhu cầu, nguyện vọng...    

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức tư vấn nghề nghiệp tại 10/10 huyện, thành phố, thu hút hơn 3.500 lượt học sinh khối lớp 9, lớp 12 tham dự và định hướng nghề nghiệp cho hơn 2.000 lượt đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà và Kon Plông, Tỉnh đoàn đã phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm, 3 lớp tập huấn về kỹ năng tư vấn, tuyên truyền việc làm cho hơn 500 cán bộ đoàn viên thanh niên.

Tại các huyện: Kon Rẫy, Sa Thầy, Đăk Glei, Ngọc Hồi, hơn 400 đoàn viên thanh niên đã được tham dự 6 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học, kĩ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng cho các mô hình sản xuất tại địa phương.

Anh Bền Chí Thịnh – người đưa thương hiệu tinh chất sâm và nước giải khát “Hồng đẳng sâm KORA” ra thị trường. Ảnh: T.T

 

Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh các phong trào: “5 xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp”, nhằm giúp đỡ các đoàn viên thanh niên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, vay vốn xây dựng các mô hình sản xuất phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình của mỗi đoàn viên thanh niên.

Qua tư vấn, hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, đã có nhiều mô hình thanh niên sản xuất kinh tế được định hình, mở rộng và đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh công tác tư vấn và định hướng nghề nghiệp, các cấp bộ Đoàn còn chú trọng “làm cầu nối” để tìm các nguồn vốn vay cho đoàn viên thanh niên.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ký văn bản liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội khác về ủy thác cho vay đến các đối tượng đoàn viên thanh niên đáp ứng đủ các điều kiện theo tiêu chí quy định. Tính đến ngày 30/11/2018, tổng dư nợ ủy thác cho vay vốn qua kênh Đoàn Thanh niên là 415,626 tỷ đồng (tăng hơn 83 tỷ đồng so với cùng thời điểm 30/11/2017).

Để phát huy tốt nguồn vốn vay, Tỉnh đoàn cũng thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng theo nội dung liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị xã hội khác, tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các nguồn vốn vay ủy thác. Năm 2018, công tác kiểm tra, giám sát đã được thực hiện đối với 10/10 huyện, thành phố, tại 23 xã và 54 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Rất nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn các xã đã được các cấp bộ Đoàn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất.

Anh Trần Minh Duy - Bí thư Đoàn xã Hơ Moong cho biết: Chúng tôi thường xuyên vận động các đoàn viên thanh niên trong xã tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi do Huyện đoàn, Tỉnh đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên xuống tận các mô hình kinh tế của các đoàn viên thanh niên trên địa bàn, để có thể kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các mô hình phát triển, đem lại hiệu quả cao.

Công tác khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn cũng luôn được Tỉnh đoàn chú trọng và quan tâm. Trong năm 2018, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thực hiện chương trình khởi nghiệp của Trung ương Đoàn, UBND tỉnh; phát động cuộc thi ý tưởng sáng tạo, diễn đàn khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên.

Điển hình như anh Bền Chí Thịnh (thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy), anh được biết đến là một hộ kinh doanh, thu mua dược liệu, sau đó sơ chế và đưa sản phẩm vào thị trường. Tháng 6/2018 vừa qua, anh đã đưa thương hiệu tinh chất sâm và nước giải khát “Hồng đảng sâm KORA” ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh Thịnh cho biết: Để tạo ra một sản phẩm với thương hiệu hoàn toàn mới ra thị trường là một việc rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn thông qua các chương trình kết nối khởi nghiệp, quảng bá mô hình, sản phẩm của tôi đã được mọi người dần biết đến. Hiện tại, mô hình đã đi đúng hướng và từng bước ổn định.

Anh Nguyễn Văn Chiến - Phó Bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy cho biết: Không chỉ riêng trường hợp của anh Thịnh, chúng tôi luôn khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để các đoàn viên thanh niên có thể lập thân khởi nghiệp. Cùng với các cấp bộ Đoàn, Hội, chúng tôi sẽ chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ cũng như tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các đoàn viên, thanh niên tiếp cận những ưu đãi cụ thể, thiết thực để đầu tư phát triển kinh tế.

Tất Thành

Chuyên mục khác