Đóng cửa rừng tự nhiên: Từ quyết tâm tới hành động

03/08/2016 07:41

Với gần 547.000ha rừng tự nhiên, ở khu vực Tây Nguyên, Kon Tum chỉ đứng sau tỉnh Lâm Đồng về diện tích và độ che phủ. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, xem đây là một trong những giải pháp khẩn cấp để cứu rừng, Kon Tum đã nhanh chóng triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với nhiều giải pháp quyết liệt.

Quyết tâm siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm

Hơn một tháng qua, hàng chục cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và lâm trường trong tỉnh đã phải nhận các hình thức từ kiểm điểm rút kinh nghiệm đến cách chức.

Trong số này phải kể đến trường hợp ông Nguyễn Thanh Thủy - Giám đốc Lâm trường Đăk Ba (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei) bị cách chức do buông lỏng quản lý để người dân ngang nhiên vào rừng khai thác gỗ; hay một loạt cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy phải chịu nhiều hình thức kỷ luật khác nhau vì để người dân chặt phá hơn 4ha rừng làm nương rẫy.

Như vậy, thông điệp đầu tiên mà lãnh đạo tỉnh đưa ra, sẽ xử lý nghiêm tất cả các tổ chức, cá nhân quản lý bảo vệ rừng mà để mất rừng đã được thực hiện một cách nghiêm túc.

Kiểm tra xe qua chốt kiểm soát liên ngành đường bộ Sê San 4 huyện Ia HDrai. Ảnh: K.Đ

 

Cùng với siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm và từng bước làm trong sạch đội ngũ giữ rừng, nhiều biện pháp để bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ cũng đã được triển khai thực hiện.

Tại các điểm nóng vi phạm lâm luật, như khu vực tiểu khu 474 xã Măng Cành, tiểu khu 502 xã Hiếu (huyện Kon Plông) hay địa bàn giáp ranh giữa huyện Ia H’Drai và Ia Grai của tỉnh Gia Lai… chính quyền và ngành chức năng địa phương đã thành lập thêm các chốt, trạm để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, truy quét và xử lý các đối tượng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép.

Tại huyện Ia H’Drai, ưu tiên hàng đầu của chính quyền và ngành chức năng địa phương là nhanh chóng xóa bỏ các điểm nóng vi phạm. Ông Lương Viết Tú - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’Drai cho biết: Huyện có hơn 59.000ha rừng tự nhiên, địa bàn giáp tỉnh bạn Gia Lai với hàng chục ki lô mét đường thủy hình thành bởi các công trình thủy điện. Đây là điều kiện thuận lợi để lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ và khi đụng lực lượng chức năng thì dễ dàng tẩu tán tang vật. Bởi vậy, Hạt đã chủ động tham mưu UBND huyện thành lập 2 chốt kiểm soát liên ngành đường bộ và đường sông. Đoàn truy quét liên ngành của huyện với lực lượng Công an, Huyện đội, Biên phòng, Kiểm lâm và chủ rừng tổ chức tuần tra truy quét lâm tặc 20 ngày mỗi tháng. Ngoài ra còn chủ động xây dựng, ký kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh với hai huyện Ia Grai, Chư Păh của tỉnh Gia Lai.

 

Hành động quyết liệt bảo vệ rừng

Cùng với triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng từ gốc, ngành chức năng của tỉnh cũng đang nỗ lực chặt đứt các mắt xích từ khai thác, vận chuyển, cất giữ đến chế biến và tiêu thụ lâm sản trái pháp luật.

Ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành đã tham mưu cho tỉnh kiên quyết dẹp bỏ những xưởng chế biến lâm sản không đủ điều kiện, nhất là không rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc gỗ.

Để làm được việc này, đoàn kiểm tra liên ngành, gồm: Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế, Công an và UBND các huyện, thành phố đang tiến hành kiểm tra tất cả các doanh nghiệp có xưởng chế biến lâm sản. Kết quả ban đầu cho thấy, ít nhất sẽ có khoảng 1/3 xưởng chế biến lâm sản bị dẹp bỏ do không đáp ứng được yêu cầu quy định.

Để đóng chắc, đóng triệt để cửa rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hiện tại, ngay cả Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, đơn vị duy nhất trong tỉnh có chỉ tiêu khai thác gỗ bình quân 8.000m3/năm nhờ thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu tỉnh chỉ đạo dừng khai thác.

Bảo vệ những cây gỗ trắc quý hiếm. Ảnh: K.Đ

 

Đấu tranh với các hành vi phá rừng trái pháp luật, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ hạ thấp khối lượng gỗ trong khung xử lý hình sự đối với hành vi khai thác, vận chuyển trái phép các loại gỗ quý hiếm nhóm IA; chuyển các loại gỗ quý hiếm, như trắc, pơ mu, cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ… từ nhóm IIA sang nhóm IA nghiêm cấm khai thác sử dụng vào mục đích thương mại.

Việc kiên quyết xử lý nghiêm, xử lý nặng và tăng cường xử lý hình sự đối với hành vi phá rừng không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật mà còn thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong quản lý bảo vệ rừng. 

Sau hơn 1 tháng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, xem đây là một trong những giải pháp khẩn cấp cứu rừng Tây Nguyên, cùng với thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Kon Tum cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, như: cố gắng giữ nguyên hiện trạng rừng và nâng độ che phủ rừng từ 62,3% hiện nay lên 63,75% vào năm 2020; mỗi năm giảm được ít nhất 20% số vụ vi phạm và giảm được 50% diện tích rừng bị phá hoại.

Khoa Điềm

 

 

Chuyên mục khác