04/04/2024 06:03
Có thể thấy tinh thần đồng bộ, quyết liệt vượt qua khó khăn, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã được Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh quán triệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Ngày 5/12/2023, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024.
Nghị quyết xác định mục tiêu năm 2024 là tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và xác lập những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chỉ rõ những vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất trong chỉ đạo, điều hành năm 2024.
|
Ngày 12/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; các chương trình MTQG và đầu tư công năm 2024. Chỉ thị nêu rõ, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các cấp, ngành và địa phương cần tổ chức thực hiện thật sự quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm.
Tiếp đó, ngày 20/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 24/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Với sự chỉ đạo quyết liệt ấy, các cấp, các ngành đã điều hành và tổ chức thực hiện thật sự quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhiệm vụ chung.
Lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết nhanh những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thi công các công trình trọng điểm, triển khai các chương trình MTQG.
Số liệu quý I/2024 từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả này khẳng định sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý và điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương đang phát huy hiệu quả.
Trong đó, nhiều mục tiêu về nông nghiệp đạt và vượt, như tổng diện tích cây lâu năm là 130.482ha, tăng 6,5% (+7.958ha); tổng đàn gia súc, gia cầm tăng; dịch bệnh được kiểm soát.
Vốn đầu tư (theo giá hiện hành) ước đạt 5.712,44 tỷ đồng, tăng 11,81% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 78 triệu USD, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 24,38% kế hoạch năm đề ra (320 triệu USD).
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng từ năm 2023 và tiếp tục khởi sắc, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) ước tính tăng 11,06% so cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng, một số nhóm ngành tăng cao, như khai khoáng tăng 10,02%; chế biến, chế tạo tăng 10,15%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,49%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,63%.
|
Hoạt động thương mại và dịch vụ khá sôi động với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,18%.
Riêng với du lịch, trong quý I/2024, toàn tỉnh thu hút được khoảng 800 nghìn lượt khách, đạt 47% kế hoạch và tăng 56,8% so với cùng kỳ.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có bước khởi sắc rõ rệt. Tính đến ngày 20/3 đã có 122 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 33,88% kế hoạch và tăng 41,86% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 772,3 tỷ đồng, đạt 19,31% kế hoạch và tăng 102,37% .
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được đánh giá tương đối thuận lợi, phần lớn các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo kết quả khảo sát, có 36,36% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt hơn quý trước; 39,39% đánh giá giữ nguyên và chỉ còn 24,24% đánh giá tình hình có khó khăn hơn.
Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp đều dự báo tình hình sản xuất sẽ tốt hơn trong quý tiếp theo, với 48,48%; số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất khó khăn hơn chỉ còn 15,15%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức, khi chặng đường phía trước còn dài, chúng ta vừa phải nỗ lực triển khai nhiệm vụ, vừa khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập đang có.
Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 28/3/2024 của Tỉnh ủy khóa XVI đã thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Trong đó, đáng chú ý là sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; một số địa phương chưa đảm bảo tiến độ trong việc xây dựng nông thôn mới; thu ngân sách nhà nước còn thấp.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới cần tập trung thúc đẩy đầu tư công; xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ gia đình tham gia liên danh, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, với quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo nhiều sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, chủ động nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hoạt động, phát triển.
Đặc biệt, cần gạt sang bên sự chậm chạp, bị động và né tránh, đùn đẩy, các cấp, các ngành và mỗi người cần vào cuộc với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ và trách nhiệm cao nhất.
Hồng Lam