Dồn đổi, tích tụ đất xây dựng cánh đồng lớn: Những hiệu quả ban đầu

17/07/2020 06:02

Sau 3 năm thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Kết luận số 366-KL/TU, ngày 17/2/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Theo chân ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đến thăm mô hình cánh đồng lớn trồng mía do bà con nông dân trên địa bàn liên kết với Công ty cổ phần Đường Kon Tum trồng từ năm 2017, chúng tôi cảm nhận rõ hơn hiệu quả của chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cánh đồng mía hơn 19 ha này do Công ty cổ phần Đường Kon Tum liên kết với 48  hộ nông dân ở xã Đăk Trăm, Văn Lem, Ngọk Tụ (huyện Đăk Tô) từ năm 2017. Trong đó, riêng đó ở xã Đăk Trăm có hơn chục hộ tham gia liên kết với Công ty trồng 5 ha mía.

Theo ông Tuệ, trước đây, các hộ dân trồng riêng lẻ, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch gặp những khó khăn như: khó đưa máy móc cơ giới vào tham gia các công đoạn làm đất, phun thuốc, chặt mía…Do vậy, số ngày công bà con bỏ ra chăm sóc cao hơn. Từ khi dồn đổi, tích tụ, liên kết trồng mía với Công ty, bà con có nhiều lợi thế. Thông qua liên kết sản xuất cánh đồng lớn bằng hình thức hợp đồng liên kết, các hộ gia đình được Công ty cung ứng dịch vụ đầu vào bằng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức, quy trình sản xuất và được thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường và theo giá bảo hiểm (nếu giá thị trường xuống thấp). Mặt khác, được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc và thu hoạch theo quy trình tiên tiến của Công ty. Đặc biệt, qua các vụ thu hoạch, lợi nhuận bình quân sau khi trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (không tính phần Nhà nước hỗ trợ) đạt trên 35 triệu đồng/1 ha.

Những cánh đồng mía, lúa nếp cẩm chất lượng cao tham gia mô hình tích tụ đất sản xuất ở xã Ngọc Tụ. Ảnh: M.T

 

Ngoài 1 cánh đồng lớn 19,1 ha trồng mía, liên kết với Công ty cổ phần Đường Kon Tum tại xã Đăk Trăm, Văn Lem, Ngọk Tụ (huyện Đăk Tô), đến nay, ở các địa phương trong tỉnh còn có 6 cánh đồng lớn khác bằng hình thức hợp đồng liên kết các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp ở 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước, gồm: 1 cánh đồng lớn 30 ha trồng mía ứng dụng công nghệ cao, liên kết với  Công ty cổ phần Đường Kon Tum tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum; 1 cánh đồng lớn 30 ha trồng bắp sinh khối chăn nuôi dê sữa, liên kết với Công ty CP dược liệu và thực phẩm Măng Đen tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông; 1 cánh đồng lớn 20 ha trồng lúa nước tại xã Hiếu, huyện Kon Plông; 1 cánh đồng lớn 32 ha sản xuất lúa thơm, liên kết tổ hợp tác tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà; 2 cánh đồng lớn 407 ha cà phê của 2 tổ hợp tác tại huyện Đăk Hà, thông qua hỗ trợ từ Dự án phát triển cà phê bền vững (Dự án VnSAT) do Sở NN&PTNT triển khai.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai, tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất liền kề, xây dựng cánh đồng lớn. Kết quả, đã hình thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã (các hộ dân có đất tự nguyện góp quyền sử dụng đất với nhau tạo thành vùng sản xuất lớn) sản xuất áp dụng một cách đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao từ giống, canh tác, cơ giới hoá, quản lý (đồng ruộng, cây trồng, dịch vụ); hình thành chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao là tiền đề cho một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững với tổng diện tích 394ha, gồm 675 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia.

Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với các hộ dân sản xuất cà phê với quy mô lớn, như: Hợp tác xã thương mại dịch vụ Sáu Nhung liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê 300 ha, sản lượng hàng năm 1.000 tấn/năm; Hợp tác xã Công Bằng Pô Cô liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê 220 ha, sản lượng hàng năm 900 tấn/năm; hình thành được 9 tổ hợp tác phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Đăk Hà, với tổng quy mô 1.340,3 ha/760 hộ. Các mô hình sản xuất cà phê quy mô lớn được xem là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm các mặt hàng nông sản, chất lượng đồng đều, đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu của doanh nghiệp khi tiêu thụ, tạo tiền đề kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu trên địa bàn, từng bước thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ ruộng đất.

Ông Trần Văn Chương-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Kết luận số 366-KL/TU, ngày 17/2/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tổ chức thực hiện trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/6/2016, Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 về Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum nên có một số thuận lợi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã các chính sách hỗ trợ kịp thời như UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp cho các đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2020 và đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; miễn giảm tiền thuê đất cho các nhà đầu tư… Chính vì vậy, chủ trương đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân để ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Qua đó, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, các quy trình công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, chế biến góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cánh đồng lớn trồng bắp ở xã Măng Bút (huyện Kon Plông). Ảnh: PN

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều khó khăn bởi vì tỉnh ta có địa hình dốc và bị chia cắt nhiều nên khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất thành cánh đồng lớn. Mặt khác, đây là cách làm mới nên vẫn còn lúng túng trong công tác triển khai. Đối với hình thức tích tụ đất nông nghiệp, lâm nghiệp để cho doanh nghiệp thuê lại phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng nguyên liệu, trồng cây dược liệu, cà phê, phát triển đồng cỏ chăn nuôi, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đăng ký tham gia. Bởi theo các doanh nghiệp, Nhà nước đứng ra thuê đất của người dân và cho doanh nghiệp thuê lại đất để thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về người dân do đó doanh nghiệp không có quyền thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng để sử dụng vốn đầu tư sản xuất và vấn đề cấp quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp, tiềm ẩn những rủi ro khi người dân đòi lại đất. Việc tích tụ đất đai chỉ dừng lại ở việc liên kết sản xuất, chưa thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng để tạo thành thửa đất lớn để sản xuất quy mô lớn. Hơn nữa, tâm lý người dân còn sợ mất quyền sử dụng đất nên chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tham gia Kế hoạch tích tụ, dồn đổi đất nông nghiệp....

Để chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, rõ ràng cùng với việc khắc phục các khó khăn, hạn chế, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ; rà soát lại toàn bộ diện tích đất đã quy hoạch phát triển nông nghiệp và dự kiến các vùng có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ưu tiên đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật để thu hút dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đến với tỉnh nhiều hơn.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác