24/02/2024 06:02
Không phải là người theo chủ nghĩa “lạc quan tếu”, tôi rất đồng tình với ý kiến rằng Kon Tum là một câu chuyện thành công về phát triển. Trong hơn 3 thập kỷ qua, kinh tế của tỉnh hàng năm luôn đạt mức tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực cả về chất và lượng.
Riêng năm 2023, dù nhiều gian khó thì “âm hưởng chủ đạo” vẫn là những tín hiệu vui. Đặc biệt, đây là năm tốc độ tăng trưởng của tỉnh ta đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất Khu vực Tây Nguyên, với 7,32%.
Những thành tựu phát triển này là kết quả của nỗ lực lớn lao, sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong việc triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế và xã hội.
|
Trong đó không thể không kể đến việc tận dụng tối đa và hiệu quả nguồn lực từ các chương trình MTQG, gồm Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương tình MTQG xây dựng nông thôn; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Ngay sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Trong đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 19/5/2022 “về lãnh đạo thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; UBND tỉnh ban hành Chương trình số 3299/CTr-UBND ngày 4/10/2022 về thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh.
Công tác kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc các cấp được khẩn trương hoàn thành, cơ bản đảm bảo điều hành và triển khai tốt các chương trình MTQG.
Báo cáo của UBND tỉnh cho hay, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta được Trung ương phân bổ, giao chung cả 3 chương trình MTQG là 2.888 tỷ đồng và ngân sách địa phương đối ứng 688 tỷ đồng.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đồng hành, giám sát của HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương và sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân, các chương trình MTQG đã được triển khai bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu theo quy định.
Đến hết năm 2023, qua thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có khoảng 98,56% hộ DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở; khoảng 98,6% hộ DTTS có đất sản xuất; có 6 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đã có 6.258 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,19%, đạt 103,7% so với kế hoạch, đưa tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 10.220 hộ, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân; 6.975 người được đào tạo nghề nghiệp; giải quyết việc làm cho 7.267 lao động.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần người dân. Toàn tỉnh đã có 48/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó đã có 42 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trên xã đến nay là 16 tiêu chí; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã được các địa phương quan tâm thực hiện.
|
Tất nhiên, khi thực hiện các chương trình MTQG năm 2023, tỉnh ta có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn, gay gắt hơn. Những khó khăn, thách thức đã có tác động không nhỏ tới quá trình triển khai các dự án cũng như tiến độ giải ngân.
Nhưng có thể khẳng định, các chương trình MTQG có vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành một trong những “đòn bẩy” làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần người dân. Đặc biệt, tạo động lực để vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển nhanh, giảm nghèo bền vững.
Tại Kế hoạch số 570/KH-UBND ngày 19/2/2024 về thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh năm 2024, UBND tỉnh đề ra nhiều mục tiêu cơ bản trong triển khai các chương trình MTQG. Đi cùng đó là hàng loạt nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể, “phân vai” trách nhiệm rõ ràng cho các cấp, các ngành, nhằm đảm bảo sự vận hành đồng bộ và hiệu quả.
Trong đó, cần khắc phục bằng được tình trạng giải ngân vốn các chương trình MTQG chậm so với yêu cầu. Chủ động vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt, theo phương châm “chỉ bàn làm chứ không bàn lùi” và “đầu năm vất vả để cuối năm thong thả” trong triển khai các công trình, dự án thuộc chương trình MTQG.
Đặc biệt, cần xác định nâng cao năng lực lập kế hoạch, điều phối, cân đối vốn và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng là một mục tiêu ưu tiên quan trọng. Trọng tâm phải là các cơ quan, ban ngành tại địa phương, vì chính họ mới có thể đánh giá chính xác nhất nhu cầu và gánh vác trách nhiệm chính trong quá trình thực hiện.
Phân cấp trách nhiệm và tạo nguồn thu phải đi kèm với nâng cao năng lực. Các cơ quan cấp tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các địa phương và ngành, lĩnh vực.
Phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào triển khai các chương trình, dự án.
Hồng Lam