12/01/2017 09:57
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện Kon Rẫy lần thứ XVIII, Huyện ủy Kon Rẫy đã xây dựng chương trình hành động với 7 nhiệm vụ trọng tâm trong toàn nhiệm kỳ. Trong đó trước mắt tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội cho người dân; tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư phát triển một số dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản và du lịch... Đồng thời tập trung thực hiện các biện pháp đấu tranh, xóa bỏ triệt để tà đạo Hà Mòn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.
Một trong những kết quả nổi bật nhất trong năm 2016 là huyện đã lồng ghép từ các nguồn vốn bố trí cho các xã triển khai xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 10,211 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững và xây dựng trường học mầm non.
|
Tính đến nay, toàn huyện đã có 47,6/63,6km đường giao thông trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 19,5/41,1km đường giao thông trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt chuẩn và 9/20,4km đường nội thôn, ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa… Hệ thống thủy lợi cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh, toàn huyện có 52,8km kênh mương nội đồng; trong đó có 16,5km kênh mương được kiên cố hóa, phục vụ tốt việc tưới tiêu và đảm bảo nguồn nước trong mùa khô, hạn hán.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, huyện Kon Rẫy đã thông qua Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2015-2020. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đầu tư gần 47 tỷ đồng để xây dựng và phát triển du lịch. Trong năm 2016, huyện đã công khai Đồ án quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp Đăk Ruồng để triển khai trong thời gian tới.
Hiện tại, huyện cũng đã tập trung phát triển đồ án xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại làng Kon Brăp Ju (xã Tân Lập) với diện tích xây dựng 8.799m2, vốn đầu tư 10 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2017. Khu du lịch nghỉ dưỡng này được xây dựng sẽ mở ra một tiềm năng mới trong du lịch của huyện Kon Rẫy khi kết nối với lòng hồ Đăk Pne và làng Kon Go 1 (xã Đăk Pne) với nhiều lễ hội truyền thống của dân tộc được tổ chức ở đây.
Đề án nhà máy chế biến tinh bột sắn cũng được triển khai tại thôn 11 xã Đăk Ruồng, do Công ty Fococev Tây Nguyên làm chủ đầu tư với công suất 40.000 tấn thành phẩm/năm.
Ngoài mạng lưới điện quốc gia đang cung cấp điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân trên địa bàn, huyện Kon Rẫy còn có 6 nhà máy thủy điện, hiện đã có 5 nhà máy đi vào hoạt động khai thác, kinh doanh có hiệu quả và 1 nhà máy dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2017…
Song song với việc đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm triển khai tích cực.
|
Huyện tập trung các nguồn lực hỗ trợ sản xuất, giúp bà con nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Tính đến cuối năm 2016, toàn huyện gieo trồng trên 10.177ha, trong đó cây hàng năm có 6.116ha, đạt 99,5% kế hoạch, sản lượng đạt 2.308,88 tấn; diện tích cây lâu năm 4.061ha, tăng hơn 49ha so với năm 2015; tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 11.510 tấn, đạt 92,7% kế hoạch. Đàn gia súc, gia cầm của huyện phát triển mạnh với trên 88.300 con, tăng trên 3.200 con so với năm 2015; trong đó đàn trâu, bò gần 7.000 con, tăng hơn 400 con. Nếu như cuối năm 2015 mức thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện là 10,5 triệu đồng/năm, thì đến cuối năm 2016 được nâng lên 14,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,42%…
Trong năm 2016, huyện huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện các biện pháp đấu tranh, xóa bỏ triệt để tà đạo Hà Mòn trên địa bàn xã Đăk Ruồng và xã Đăk Tờ Re. Đến nay, tà đạo Hà Mòn ở xã Đăk Ruồng đã được xóa bỏ, tại xã Đăk Tờ Re chỉ còn 35 hộ/74 khẩu. Trong thời gian sắp tới, huyện sẽ kiên trì vận động, đấu tranh để những người này quay về với cộng đồng, xây dựng đời sống kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống bình yên…
Đây chỉ mới là những kết quả ban đầu trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kon Rẫy lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp, con đường phía trước của cả nhiệm kỳ là một chặng dài với không ít khó khăn, cam go để đưa Kon Rẫy từng bước thoát nghèo vươn lên, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kon Rẫy, những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra, sẽ được triển khai đồng bộ và trở thành hiện thực…
Dương Đức Nhuận