Đổi thay những đô thị trung tâm

09/11/2021 06:00

Những năm qua, với sự phát triển chung của xã hội nên tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng tại các đô thị trung tâm các huyện, thành phố có sự phát triển khá nhanh.

Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) được thành lập từ giữa năm 2019 theo Nghị định số 720 (ngày 16/7/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.  Măng Đen là đô thị mới, lại là trung tâm vùng kinh tế động lực Kon Plông và Khu du lịch sinh thái quốc gia nên thị trấn Măng Đen được ưu tiên các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, chú trọng đầu tư mở rộng không gian đô thị, trang trí trang hoàng sạch đẹp các tuyến đường, khu trung tâm huyện và các điểm du lịch, qua đó đã giúp cho Măng Đen ngày càng đổi thay, hấp dẫn với du khách.

Trở lại Măng Đen những ngày này, tôi thấy thị trấn Măng Đen đang khoác trên mình chiếc áo mới. Hệ thống giao thông trên địa bàn thị trấn đã cơ bản được hoàn thiện, đi lại thông suốt đến tất cả các khu dân cư. Nhiều ngôi biệt thự bị bỏ hoang nằm ẩn khuất dưới rặng thông trước kia đang được các chủ đầu tư sửa chữa, xây dựng hoàn thiện. Điều đó càng làm cho đô thị Măng Đen ấn tượng hơn với du khách. Hiện nay, thị trấn Măng Đen đang tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng, chỉnh trang, mở rộng theo quy hoạch và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng thị trấn Măng Đen không ngừng phát triển bền vững, xứng đáng với vai trò là đô thị động lực của huyện Kon Plông và khu vực phía Đông của tỉnh Kon Tum.

Đô thị Măng Đen đổi thay. Ảnh: P.N

 

Tương tự, đô thị Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) cũng đang có sự đổi thay mạnh mẽ. Bởi chỉ tính trong giai đoạn 2015-2020, huyện Ngọc Hồi đã đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống điện, trường học... góp phần đạt tiêu chí số 5 về trình độ phát triển hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị theo chuẩn đô thị loại IV. Ngoài ra, trong những năm qua, thị trấn Plei Kần cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp để xây dựng bê tông hóa các  tuyến đường khu dân cư tại địa bàn thị trấn và kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, huyện Ngọc Hồi chú trọng gắn liền với phát triển đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, kết nối các xã với trung tâm huyện đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị là cửa ngõ giao thương của tỉnh; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội ở mức cao hơn, phấn đấu để Ngọc Hồi đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025

Đặc biệt, sự đổi thay mạnh nhất là đô thị trung tâm thành phố Kon Tum. Nhờ làm tốt công tác cải cách hành chính nên đã thu hút được một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đến tìm hiểu và đầu tư tại địa bàn như Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH... Vì vậy, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang với nhiều dự án, khu đô thị mới được đầu tư tại Khu dân cư phía Tây Bắc phường Duy Tân; Khu đô thị Nam Đăk Bla; Tổ hợp nhà phố thương mại Vincom Shophouse Kon Tum; Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum...

Ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Thời gian tới, thành phố Kon Tum sẽ ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới để xây dựng thành phố sớm đạt tiêu chí đô thị loại II. Thành phố sẽ ban hành và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển đô thị. Tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư, chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị mới, nhất là hạ tầng giao thông, cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướng mở rộng không gian đô thị thành phố Kon Tum, lấy dòng sông Đăk Bla làm trung tâm để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Quy hoạch mở rộng và phát triển các cụm công nghiệp, kết hợp với phát triển đô thị. Tiến hành rà soát, tập trung chỉnh trang, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị hiện có, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự đô thị; quy hoạch quỹ đất để đầu tư xây dựng các khu công viên, cây xanh, bãi đậu, đỗ xe và các công trình phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị theo quy hoạch; quy hoạch bố trí quỹ đất tại các khu vực trung tâm nội thành, các khu đô thị mới, vùng ven đô thị, đảm bảo điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ... phấn đấu đưa thành phố Kon Tum sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 đô thị được công nhận đạt từ đô thị loại IV, loại III. Đặc biệt, một số đô thị mới đang được hình thành tại các trung tâm huyện như Ia HDrai, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông... góp phần tạo vẻ đẹp và đổi thay ở trung tâm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác