Đổi thay Măng Bút

04/08/2017 08:09

​Măng Bút đang đổi thay mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội; đời sống của người dân từng bước được nâng lên… Đó là ấn tượng khi trở lại xã vùng sâu Măng Bút, huyện Kon Plông.

Từ trung tâm huyện Kon Plông, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ đi xe máy chúng tôi đã có mặt ở trung tâm xã Măng Bút, điều mà khoảng 10 năm trước chỉ là niềm mơ ước. Khi ấy, muốn đến với Măng Bút chỉ có cách đi bộ băng rừng, lội suối cả ngày đường mới đến nơi.  

Đi dọc các tuyến đường từ trung tâm xã Măng Bút đến các thôn làng, tôi đều nhận thấy có sự đổi thay rất nhiều so với trước kia. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang phát triển khá nhanh. Ngôi trường học từ mầm non đến trung học cơ sở lụp xụp trước đây đã được xây dựng kiên cố, khang trang góp phần duy trì sĩ số học sinh ổn định ở mức cao (97%). Những ngôi nhà kiên cố ở 12 thôn, làng mọc lên san sát; hệ thống điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ gia đình ở 11/12 thôn.

Đường giao thông được bê tông đến đầu khu sản xuất. Ảnh: V.P

 

 

Đặc biệt, tôi ấn tượng bởi hệ thống giao thông nông thôn ở đây có sự đổi thay mạnh mẽ vì trước đây tất cả con đường đến thôn làng chỉ là đường đất. Ấy vậy mà chỉ khoảng 10 năm sau, Măng Bút đã có 8/12 thôn làng có đường bê tông đến trung tâm mỗi làng, thậm chí một số thôn làng còn làm được cả đường bê tông đến đầu khu sản xuất thuận lợi cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Bí thư Đảng ủy xã- A Ria liền nói: Có được điều đó, ngoài sự quan tâm đầu tư của nhà nước, thì điều đầu tiên là sự đồng sức đồng lòng của người dân. Tiền bạc thì họ không nhiều nhưng họ sẵn sàng ủng hộ và đã tích cực đóng góp hàng trăm ngày công cùng tham gia làm đường giao thông…

Sự đổi thay mang tính quyết định ở Măng Bút đó là thay đổi về nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Cầm trên tay báo cáo kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của xã, nhìn những con số về sản xuất nông nghiệp tôi đã khá ấn tượng, nhưng điều làm cho tôi bất ngờ nhất là sự đổi thay trong hướng sản xuất của người dân nơi đây. Trước đây, ở vùng đất này người dân chủ yếu chỉ trồng lúa, trồng mì, vậy mà bây giờ nhiều loại cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao đã được người dân đưa vào sản xuất. Những rẫy mì giờ đây đang được thay bằng những rẫy cà phê, bời lời xanh thẫm ở triền đồi… Theo báo cáo của xã Măng Bút, đến nay toàn xã đã có hơn 537ha lúa, 200ha bắp, gần 22ha cà phê, 11ha cây ăn quả, 51ha bời lời, 2ha keo, gần 1ha quế và hơn 41ha tre lấy măng…

Hiện nay, Măng Bút được huyện Kon Plông chọn và đang tiến hành trồng thí điểm mô hình cây sâm dây trồng độc lập và xen với cà phê. Điều đặc biệt, huyện Kon Plông cũng đang chọn Măng Bút làm điểm xây dựng mô hình cánh đồng lớn trồng cây bắp và đến nay đã trồng được hơn 10 ha cây bắp lấy thân, bắp non làm thức ăn nuôi dê sữa tại 2 thôn Măng Bút và Long Rủa.

Giải thích điều này, ông A Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết: Việc xã được lựa chọn xây dựng các mô hình thí điểm về nông nghiệp bởi nguồn cội là người dân nơi đây chịu khó, tích cực lao động…

Theo ông A Vinh, cũng giống như trước đây, người dân ở đây không ai trồng cà phê, nhưng sau khi xây dựng mô hình thí điểm trồng cà phê xứ lạnh thì đến nay diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Đầu tiên, chỉ có một vài hộ trồng, nhưng sau một thời gian thấy hiệu quả đến nay nhiều hộ gia đình trong xã đã và đang tiếp tục phát triển diện tích cây cà phê.

Như để chứng minh cho những điều đã nói, đích thân A Vinh dẫn tôi đi tham quan thực tế tại khu vườn cà phê, khu xây dựng cánh đồng lớn tại thôn Long Rủa, Măng Bút. Bước chân trên con đường làng được bê tông hóa kéo ra tận đầu cánh đồng làng của thôn Măng Bút, nhìn những cây cà phê xanh mướt mọc kín trên những sườn đồi, tôi cảm nhận được sự nhọc công như thế nào của người dân để có những vườn cà phê tươi tốt như vậy.  

Cà phê được ngườid ân Măng Bút phát biển mạnh. Ảnh: V.P

 

Vừa đi tham quan thực tế vườn cà phê, A Vinh vừa nói, hiện nay bà con đã đào hố chuẩn bị trồng cả chục ha cà phê cho vụ năm nay nhưng đang chờ giống. “Không như trước phải đi vận động người dân trồng cà phê, giờ người dân tự giác và chủ động, thậm chí có hộ tự tìm nguồn giống để phát triển cà phê. Đó là điều chúng tôi mừng nhất”- A Vinh vui mừng nói.

Dù tỷ lệ hộ nghèo của Măng Bút hiện vẫn còn khá cao (chiếm 63,3% tổng số hộ dân toàn xã), nhưng với thực tế như hiện nay, trong vài năm tới, tỷ lệ hộ nghèo của xã chắc chắn sẽ giảm nhanh và bền vững.

Chia tay Măng Bút, tôi tin rằng với sự chuyển biến trong cách nghĩ cách làm của người dân và sự đồng sức, đồng lòng triển khai đồng bộ các giải pháp về kinh tế, xã hội, vùng cách mạng Măng Bút sẽ có sự phát triển nhanh, bền vững…

Văn Phương

Chuyên mục khác