Đổi thay hạ tầng ở Tu Mơ Rông

24/08/2017 07:27

Nằm dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, Tu Mơ Rông thuộc diện huyện nghèo 30a. Sau 12 năm thành lập, với sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tu Mơ Rông đã đổi thay mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực...

 

Năm 2005, huyện Tu  Mơ Rông được thành lập với xuất phát điểm kinh tế - xã hội rất thấp. Sau 12 năm, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế; sự tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, hôm nay đến với vùng đất này, tôi thật ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ về mọi mặt, đặc biệt là sự đổi thay mạnh về cơ sở hạ tầng ở vùng đất còn nhiều gian khó này.

Ấn tượng nhất với tôi là con đường duy nhất đến với Tu Mơ Rông - tỉnh lộ 672 đất đá lởm chởm trước đây giờ đã được sửa chữa, duy tu, rộng rãi bằng phẳng hơn và nâng cấp thành Quốc lộ 40B. Đoạn đèo Măng Rơi được mở tuyến đường tránh khá đẹp và đặc biệt tuyến đường không còn là đường cụt mà Quốc lộ 40B đã được nối thông với huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam.

Đến nay, 11/11 xã của Tu Mơ Rông có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đi lại được cả hai mùa trong năm; 70/91 thôn có đường xe ô tô đi đến được cả hai mùa. Điều đáng mừng hơn nữa, không chỉ có Quốc lộ 40B phá thế đường cụt, mà con đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh được Nhà nước đầu tư xây dựng nối thông Tu Mơ Rông với huyện Đăk Glei, Kon Plông đã và đang tạo đà cho Tu Mơ Rông phát triển.

Hạ tầng thôn làng vùng sâu Tu Mơ Rông đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Ảnh: V.P

 

Cùng với hệ thống giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng khác cũng có bước phát triển mạnh. Đơn cử như trụ sở làm việc tại trung tâm huyện được xây dựng khang trang với đường giao thông nội vùng đã và đang được đầu tư bài bản, dần hình thành khu thị tứ đẹp trong tương lai không xa. Trước đây, hầu hết các trụ sở làm việc của các xã đều tạm bợ xuống cấp; nhưng hiện nay, 100% số xã đã được xây dựng trụ sở mới khang trang, kiên cố.

Toàn huyện cũng đã có 11/11 xã được đầu tư xây dựng trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường mầm non và đến nay đã có tổng số 34 trường học. Hệ thống trạm y tế xã được xây dựng khang trang. Hệ thống thủy lợi tại tất cả các xã trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Điện lưới quốc gia đã kéo về 100% số xã với 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và trên 75% số hộ dân được dùng nước sạch...

Sự đổi thay mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng còn có thể nhìn thấy khá rõ từ các thôn làng vùng sâu, vùng xa. Những ngôi nhà mới khang trang nằm san sát quanh mái nhà rông; những con đường, ngôi nhà ở khu tái định cư được xây dựng cùng một thiết kế nằm ngay hàng thẳng lối vừa tạo sự đổi thay mạnh mẽ, vừa tạo vẻ đẹp riêng của vùng rừng núi Ngọc Linh. 

Sự đổi thay nơi vùng căn cứ cách mạng còn được thể hiện qua nếp sống, cách làm kinh tế của từng thôn, làng. Những cây trồng chủ lực như sâm dây, sâm Ngọc Linh, bo bo, cà phê catimor là những cây trồng chủ lực đã và đang được người dân Tu Mơ Rông phát triển mạnh, góp phần đưa nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển.

Giờ đây, đi dọc các con đường bê tông uốn lượn theo triền núi đến các xã vùng sâu như Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây… thăm những khu tái định cư khang trang, nằm xen giữa là những mái nhà rông cao vút, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh màu xanh bạt ngàn của cà phê, bời lời, bo bo… Tu Mơ Rông đang đổi thay mạnh mẽ.

Văn Phương

Chuyên mục khác