15/04/2020 06:06
Doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao vì dịch
Thời điểm chưa tạm dừng hoạt động (trước 1/4), lượng hành khách đi lại đã giảm mạnh, chỉ bằng 50% ngày trước, nên có doanh nghiệp phải chịu lỗ 5 triệu đồng/chuyến xe.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 05/CĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải, từ 1/4, các doanh nghiệp vận tải đã tạm ngừng hoạt động. Điều đó đồng nghĩa, toàn bộ lái xe, nhân viên của doanh nghiệp vận tải không có việc làm, không có thu nhập nên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống.
Không chỉ người lao động bị ảnh hưởng, doanh nghiệp vận tải cũng chịu thiệt hại nặng. Bởi, dù vận tải hành khách ngừng hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn phải hỗ trợ một phần lương cho người lao động và bao nhiêu khoản chi phí khác như đóng bảo hiểm xã hội, phí đường bộ, tiền lãi ngân hàng, chi phí thuê phòng vé tại các bến xe…
Theo ông Đoàn Thế Tiến - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc (nhà xe Minh Quốc), nếu dịch bệnh kéo dài thì doanh nghiệp khó có thể duy trì, nếu Nhà nước không có các chính sách hỗ trợ. Mỗi tháng, chúng tôi vẫn phải trả các khoản như bảo hiểm, phí đường bộ, hỗ trợ thất nghiệp cho lao động, phí bến bãi, cầu đường, lãi ngân hàng… lên đến khoảng 700 triệu đồng. “Chúng tôi mong sớm được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi và mong Nhà nước có chính sách khoanh nợ gốc, giảm lãi suất vay, gia hạn thời gian đóng thuế, miễn giảm phí bến bãi, phí thuê phòng vé và đóng bảo hiểm xã hội…của năm nay” - ông Tiến nêu kiến nghị.
Tương tự, theo nhà xe Tân Anh (HTX Vận tải hành khách và hàng hóa Tây Nguyên), từ ngày1/4, thực hiện công tác phòng dịch, 10 xe giường nằm của đơn vị dừng hoạt động và hơn 20 lái xe, người lao động không có việc, doanh nghiệp phải hỗ trợ cho người lao động 2 triệu đồng/tháng; cộng thêm tiền lãi ngân hàng, tiền phí các loại thì số tiền mỗi tháng doanh nghiệp phải chi lên đến 300 triệu đồng nên doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
|
Lúng túng trong tiếp cận “gói hỗ trợ”
Theo tìm hiểu tại các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn, đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải rất lúng túng trong việc hoàn thiện hồ sơ để được hỗ trợ.
Ông Đoàn Thế Tiến cho biết: Đến nay, chúng tôi vẫn chưa làm hồ sơ đề nghị bởi chưa có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng hoặc ngân hàng. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp biết, hoàn thành các thủ tục theo quy định, tiếp cận được gói hỗ trợ cũng như được hưởng các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Đinh Khắc Tấn - Nhà xe Tân Anh tâm sự: Hiện tại, doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Chúng tôi cũng nghe nói có “gói hỗ trợ” doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không biết làm thủ tục ra sao để được tiếp cận. Hiện, đơn vị chúng tôi đã có đơn đề nghị ngân hàng khoanh nợ gốc, giảm lãi suất nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được trả lời. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền sớm giúp doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.
Sau khi các doanh nghiệp vận tải đề xuất, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, bến xe, đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe; đề nghị các ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp như giảm lãi suất với hợp đồng vay vốn hiện tại hoặc có thời gian miễn lãi, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ...; ngành thuế, tài chính thực hiện giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như giảm mức thuế VAT; giảm và gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; miễn, giảm tiền thuê đất; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuế đất sau khi dịch được kiểm soát…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện sở đã gửi văn bản đến các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đề nghị lập danh sách, trình bày những khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gửi lên sở để tổng hợp.
Tính đến ngày 7/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận đơn đề nghị của 110 doanh nghiệp và hơn 6.800 người lao động ở các loại hình kinh doanh bị ảnh hưởng. Đơn vị đang tiếp tục tổng hợp các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Trong thời kỳ khó khăn này, hơn lúc nào hết, người lao động và doanh nghiệp vận tải mong ngành chức năng tạo điều kiện để sớm được tiếp cận các gói hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Văn Phương