Doanh nghiệp chế biến lâm sản nằm ngoài mạng lưới quy hoạch: Loay hoay tìm nơi sản xuất

17/09/2017 06:16

​Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh và UBND thành phố Kon Tum, các xưởng chế biến gỗ và lâm sản của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nằm ngoài mạng lưới quy hoạch buộc dừng hoạt động và có phương án di dời vào vị trí quy hoạch. Trước yêu cầu đặt ra, chúng tôi đã gặp gỡ các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề đang được các doanh nghiệp trên quan tâm.

Nguyện vọng của các doanh nghiệp

Tìm hiểu việc thực hiện Quyết định 639/QĐ-UBND ngày 14/7/2011 của UBND tỉnh về phê duyệt Phương án quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025, chúng tôi gặp gỡ một số doanh nghiệp nằm ngoài mạng lưới quy hoạch ở địa bàn thành phố Kon Tum.

Công ty TNHH MTV Trường Tín Phát dừng hoạt động chế biến. Ảnh: V.N

 

Ông Trương Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nhân cho biết, doanh nghiệp có cơ sở tại phường Duy Tân với ngành nghề là khai thác, chế biến, mua bán lâm sản; xây dựng công trình cơ bản… Thực hiện chủ trương của tỉnh, tháng 11/2016, Công ty có đơn xin thuê đất gửi UBND thành phố Kon Tum, Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp thành phố Kon Tum để có đất hoạt động phù hợp với mạng lưới quy hoạch chế biến lâm sản. Tuy nhiên, từ ngày gửi đơn đến nay, Công ty vẫn chưa có hồi âm.

Cũng tại phường Duy Tân, chúng tôi gặp bà Thái Thị Mai - Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Hùng Cường chuyên chế biến và kinh doanh lâm sản.

Bà Mai bộc bạch: Do nằm ngoài mạng lưới quy hoạch chế biến lâm sản của tỉnh, để có đất sản xuất phù hợp với quy hoạch, hiện Công ty thuê lại khoảng 1 sào đất của một doanh nghiệp nằm trong Khu Công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 1). Do phải thuê lại đất và diện tích đất được thuê không đáp ứng nhu cầu, đầu năm 2017, Công ty làm đơn xin thuê đất gửi UBND thành phố, Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp thành phố Kon Tum. Tuy nhiên, kể từ ngày gửi đơn đến nay, Công ty chưa có hồi âm.

Tương tự, ông Vũ Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Trường Tín Phát giãi bày: Năm 2010, Công ty được thành lập và đi vào sản xuất đồ gỗ xây dựng, giường, tủ, bàn, ghế… tại thôn Kon Klo II, xã Đăk Rơ Wa. Do nằm ngoài mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản, tháng 11/2016, Công ty bị UBND thành phố Kon Tum đình chỉ hoạt động chế biến lâm sản tại xã Đăk Rơ Wa. Ngày 21/6/2017, Công ty làm đơn xin thuê đất gửi UBND thành phố, Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp thành phố với nguyện vọng được di dời vào làng nghề H’nor…

Làm rõ vấn đề các doanh nghiệp quan tâm

Thừa lệnh Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, ngày 9/8/2017, ông Nguyễn Quốc Vương - Chánh Văn phòng UBND thành phố trả lời đơn xin thuê đất của ông Vũ Văn Tuấn như sau: UBND thành phố đang thực hiện Phương án sắp xếp hoạt động tại làng nghề H’nor. Trong đó, UBND thành phố ưu tiên bố trí đất cho các đối tượng thuê đất là các hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động tại địa bàn các phường đông dân cư (Quyết Thắng, Quang Trung, Duy Tân, Thống Nhất, Trường Chinh, Thắng Lợi) vào hoạt động tại làng nghề H’nor. Vì vậy, ông Vũ Văn Tuấn (đại diện Công ty TNHH MTV Trường Tín Phát) không thuộc đối tượng được thuê đất tại làng nghề H’nor.

Ngoài ra, trong văn bản trả lời này, ông Vương còn nói rõ thêm: Làng nghề H’nor không nằm trong vị trí các điểm quy hoạch cơ sở chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh nên UBND thành phố không thể cho thuê đất và đề nghị Công ty này liên hệ với Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh để được hướng dẫn cho thuê đất phù hợp với quy hoạch. 

Trên thực tế, trong Phương án quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh, vị trí quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản tại thành phố Kon Tum là Khu Công nghiệp Hòa Bình và Khu Công nghiệp Sao Mai.

Trong quá trình làm việc, chúng tôi được biết Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh được tỉnh giao quản lý quỹ đất Khu Công nghiệp Sao Mai.

Bà Đặng Thị Trang - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh cho biết, đơn vị được tỉnh giao quản lý 88ha đất tại Khu Công nghiệp Sao Mai. Việc các doanh nghiệp muốn thực hiện các dự án chế biến gỗ và lâm sản thì liên hệ với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan để được xem xét, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch.

Làm rõ vấn đề được các doanh nghiệp chế biến gỗ nằm ngoài mạng lưới quy hoạch quan tâm, ông Vũ Mạnh Hải - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: Khu Công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 1) hiện đang kín đất (các doanh nghiệp thuê hết quỹ đất); Khu Công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2) và Khu Công nghiệp Sao Mai tỉnh đang làm các thủ tục xin chuyển qua vị trí khác. Vì vậy, hai khu công nghiệp này chưa thành lập nên chưa tiếp nhận dự án đầu tư của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì liên hệ với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh để có thể tìm hiểu đầu tư vào Cụm Công nghiệp Đăk La hoặc Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y...

Văn Nhiên

Chuyên mục khác