Định hướng chăn nuôi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh

15/11/2019 13:01

Trong thời điểm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, song song với việc triển khai các biện pháp phòng chống, khống chế dịch bệnh, vấn đề định hướng chăn nuôi và tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm là giải pháp được ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng.

Hiện tại, 10/10 huyện, thành phố với 47 xã, phường trên địa bàn tỉnh có dịch tả lợn Châu Phi, trong đó 9 địa phương công bố dịch (trừ huyện Kon Rẫy). Tổng số lợn mắc bệnh đã bị tiêu hủy là trên 6.400 con. Một số địa phương có số lượng lợn bệnh bị tiêu hủy nhiều như: huyện Đăk Hà trên 2.000 con, Sa Thầy gần 1.000 con, Ia H’Drai có 655 con, thành phố Kon Tum 550 con, huyện Ngọc Hồi hơn 400 con…

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đánh giá, thời gian gần đây, tình hình dịch tả lợn Châu Phi có dấu hiệu chững lại, nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch.

Ông Đoàn Bá Quyết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Xác định phòng dịch là giải pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ đàn lợn và việc làm này chỉ có thể thành công khi người dân chủ động, tự giác thực hiện. Để làm được điều này, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học. Nhưng, với đặc điểm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta là nhỏ lẻ, và thường thả rông nên việc phòng và khống chế dịch bệnh vô cùng nan giải. Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, lực lượng thú y các địa phương tập trung vận động, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi làm chuồng trại nhốt gia súc, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn và phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có gần 300 hộ chăn nuôi từ 100 - 500 con được hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Việc chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò là một trong những biện pháp nhằm giảm bớt rủi ro. Ảnh: TH

 

Tại các trang trại, các chủ hộ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ đàn lợn như sử dụng lưới, mùng quây kín khu chăn nuôi, không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi, trước khi vào trang trại phải thay quần áo bảo hộ lao động và ở khu vực cách ly trước 1 ngày; phun hóa chất, rải vôi bột thường xuyên trong khu chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, nguồn giống đầu vào… Nhờ vậy, số lượng các trang trại xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta ít, phần lớn số lợn mắc bệnh thời gian qua là của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ… So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tỷ lệ đàn lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh ta khá thấp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5,1% trên tổng đàn lợn của cả tỉnh.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên, để đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân, ngành Thú y đã định hướng chăn nuôi để hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người dân.

Theo đó, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ngành Nông nghiệp và các địa phương vận động, khuyến cáo người dân không tái đàn; tạm thời chuyển hướng chăn nuôi sang các loài vật khác như gia cầm, trâu, bò và thủy sản, nhưng phải tính toán đến nhu cầu của thị trường để tránh cung vượt quá cầu, người dân lại bị thua thiệt. Những nông hộ, trang trại có chuồng trại đảm bảo yêu cầu thì ngành Nông nghiệp hướng dẫn chờ đến khi đảm bảo đủ thời gian cách ly an toàn và áp dụng triệt để biện pháp an toàn sinh học rồi mới tái đàn. Khi tái đàn phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, nhập từ các cơ sở chăn nuôi an toàn và phải được giám sát bệnh định kỳ, khi nhập lợn về phải thực hiện xét nghiệm, âm tính với dịch tả lợn Châu Phi và phải có thời gian theo dõi cách ly…

Các hộ nuôi lợn số lượng lớn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn trong chăn nuôi. Ảnh: TH

 

Theo ông Nguyễn Tấn Liêm - Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những tháng tới, đặc biệt là dịp Tết này, Sở Nông phiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân tiêu thụ, sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm tra, kiểm dịch đầy đủ, không ham rẻ mà mua, bán thịt lợn chết…

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp định hướng chăn nuôi và tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm từ thịt lợn của ngành Nông nghiệp vừa hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh, tránh bớt thiệt hại trong chăn nuôi, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Về lâu dài, việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất chăn nuôi tạo điều kiện thuận lợi nguồn lực đầu tư sản xuất theo quy hoạch nhằm phát triển chăn nuôi tập trung, tăng quy mô tạo ra số lượng sản phẩm lớn, gắn với thị trường tiêu thụ tạo sự ổn định cho đầu ra và xây dựng thương hiệu sản phẩm là giải pháp quan trọng đang được ngành Nông nghiệp hướng đến.

Thùy Hương

Chuyên mục khác