Điều chỉnh ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực để phát triển phù hợp

18/08/2017 06:19

​Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV vừa thống nhất điều chỉnh xây dựng, phát triển ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 để phát triển phù hợp.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV (diễn ra vào ngày 27/7/2011) đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực. Mục tiêu Nghị quyết, trong giai đoạn 2011-2015, xây dựng, phát triển 5 ngành, nhóm ngành: trồng cây lâu năm; trồng rừng và chăm sóc rừng; công nghiệp chế biến nông lâm sản; sản phẩm sản xuất từ khoáng sản; sản xuất, truyền tải, phân phối điện, trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trên cơ sở 5 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tập trung phát triển 9 sản phẩm chủ lực gồm: cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn; sâm Ngọc Linh; rau hoa xứ lạnh; thủy sản nước ngọt; bột giấy và giấy; gạch ngói; điện.

Sản xuất tinh bột sắn tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Tây Nguyên-Đăk Hà

 

Tiếp đến, trong giai đoạn 2016-2020, xây dựng, phát triển thêm ngành hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch (du lịch sinh thái) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm du lịch sinh thái Măng Đen trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Việc tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 sản lượng cao su đạt 90-95 ngàn tấn, cà phê 25-30 ngàn tấn, sắn 20.000ha với sản lượng trên 400 ngàn tấn, diện tích sâm Ngọc Linh 1.000ha với sản lượng đạt trên 150 tấn, rau hoa xứ lạnh 2.000ha với sản lượng đạt 45 ngàn tấn, chế biến 10.000 tấn cà phê bột, 3.000 tấn cà phê hòa tan, 136.000 tấn tinh bột sắn, 3 triệu sản phẩm sản xuất từ cao su, 2,2 tỷ kwh điện (từ các thủy điện do địa phương quản lý), trên 200 ngàn lượt du khách đến Măng Đen… Tổng giá trị  gia tăng các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến năm 2020 chiếm khoảng 40-45% tổng sản phẩm của tỉnh.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, có thể thấy, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực đã được rà soát, bổ sung, phê duyệt; một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của tỉnh được ban hành và triển khai tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông quan trọng được đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến (cà phê, cao su, sắn) được hình thành và ngày càng phát triển. Một số chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2015 đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch: diện tích cao su đạt 106,7%, diện tích cà phê đạt 157,9% với sản lượng đạt 147,4%; sản lượng sắn đạt 175,9%; sản lượng tinh bột sắn đạt 215,02%...

Tuy nhiên, việc phát triển một số vùng nguyên liệu để kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến còn chậm (trồng rừng nguyên liệu giấy, rau hoa xứ lạnh, sâm Ngọc Linh); sản lượng, sức cạnh tranh một số sản phẩm thấp (tinh bột sắn, điện thương phẩm, cà phê bột…); tỷ trọng các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trong tổng giá trị sản phẩm của tỉnh chưa cao, chưa thu hút được các dự án đầu tư sản xuất như chế biến các sản phẩm từ cao su, sâm Ngọc Linh…

Cà phê một trong những sản phẩm chủ lực của Kon Tum trong giai đoạn 2011-2015 đã có diện tích và sản lượng vượt kế hoạch cao

 

Trên cơ sở đánh giá tình hình xây dựng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực và những chỉ đạo định hướng phát triển kinh tế của Trung ương, của tỉnh, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV (tháng 7/2017) đã thống nhất điều chỉnh ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 để phát triển phù hợp với tình hình mới.

Theo đó, Tỉnh ủy Kon Tum xác định, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 tập trung phát triển 4 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn gồm: nhóm ngành nông - lâm nghiệp; nhóm ngành công nghiệp chế biến; ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện; ngành du lịch.

Trên cơ sở 4 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh xác định tập trung phát triển 9 sản phẩm chủ lực gồm: sắn và các sản phẩm sản xuất từ sắn; các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (rau và các loại hoa quả xứ lạnh; thịt bò, dê, sữa dê; cà phê chất lượng cao, thủy sản nước ngọt); cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ rừng trồng, tre, nứa; bột giấy và giấy; điện; du lịch sinh thái Măng Đen.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03-NQ/TU, Tỉnh ủy chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp với chủ trương dồn điền, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng “cánh đồng lớn” để thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen; tập trung quy hoạch và sản xuất một số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đã có chủ trương như: rau, hoa, cao su, cà phê, mía đường, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc (dê, bò) và trồng cỏ để phát triển chăn nuôi; thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; khuyến khích doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giá trị cao; xây dựng các công trình, dự án phục vụ phát triển du lịch…

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác