15/02/2018 08:10
Còn nhớ, chỉ chưa đầy nửa năm về trước thôi, 44 hộ dân làng Kon Tu Rằng 2 (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) vẫn chưa biết đến ánh điện quốc gia. Quanh năm, họ chỉ làm bạn với đèn dầu, bếp củi; xa lạ với những thiết bị điện hiện đại. Vì thế mà cuộc sống của họ buồn tẻ hơn các vùng quê khác.
Trưởng thôn Kon Tu Rằng 2- A Ben kể rằng: Ngày trước, bếp củi, đèn dầu là nguồn sáng của mỗi gia đình; những chiếc đài chạy pin là phương tiện thông tin chủ đạo nối dân làng với thế giới bên ngoài. Ban đêm ở đây dường như cũng đến sớm hơn các nơi khác; không gian yên ắng, tịch mịch vì không có điện, không ti vi, không phương tiện giải trí. Việc học hành của con trẻ khi ở nhà dường như cũng bị bỏ quên vì thiếu ánh sáng.
Thế nhưng, mọi chuyện đã khác từ tháng 9/2017, khi làng Kon Tu Rằng 2 được hoà lưới điện. Đêm về, nhà nhà rực sáng ánh điện, thi nhau sắm sửa những đồ dùng gia đình chạy bằng điện như ti vi, quạt điện, nồi cơm điện, máy bơm nước...
A Tuấn bồi hồi nhớ lại: Đợt thấy các chú thợ điện đến trồng trụ, kéo dây, rồi nhắc các gia đình mua dây về để các chú kéo điện vào trong nhà cho; người lớn, trẻ con trong làng tíu tít, râm ran bàn tán, chờ đón như sắp đón lễ hội. Khi có điện, nhà nào cũng sáng rực, bà con sướng cái bụng lắm. Nhà mình đi mua ngay chiếc ti vi và đầu kỹ thuật số về để xem. Mấy ngày đầu mới có điện, hôm nào bà con cũng thức tới khuya, tập trung ở những nhà có ti vi như nhà mình để xem phim, hát hò, vui lắm. Tết năm nay, bà con làng mình chắc vui lắm đây bởi có điện sáng từ trong nhà ra ngoài ngõ, tivi, loa đài mở rộn ràng cả xóm làng.
Mấy năm nay, Kon Plông là địa phương được đầu tư nhiều nhất cho lưới điện nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có hơn 400 hộ gia đình vùng sâu đã được dùng điện lưới quốc gia. Các thôn, làng nằm ở tít nơi xa xôi, hẻo lánh, tận trên núi cao, trước đây chẳng ai dám mơ đến chuyện có điện thì bây giờ dòng điện đã được kéo về sáng bừng cả núi rừng. Đặc biệt, có những làng nằm heo hút mãi trong rừng như Đăk Lâng (xã Đăk Ring), Kon Plinh, Kon Piêng (xã Hiếu), Đăk Pleng, Đăk Bông 1 (xã Măng Bút) vốn chẳng ai dám nghĩ đến chuyện có một ngày được sử dụng điện lưới quốc gia thì vừa qua cũng đã chính thức được đóng điện để người dân đón một mùa xuân mới với bao niềm vui và những dự định mới.
Già làng A Nun (làng Đăk Lâng) bày tỏ: Có điện, cuộc sống của người dân như sang một trang mới, văn minh hơn, hiểu biết hơn. Trước đây cả làng mình không có lấy một cái ti vi nên tin tức thời sự, phim ảnh giải trí mù tịt, giờ thì khác rồi, nhiều nhà trong làng đã có ti vi; tối đến, mọi người được xem ti vi biết thêm nhiều thông tin trong nước và nước ngoài. Đêm tối không còn phải mò mẫm nữa; các cháu học sinh cũng không phải thắp cây đèn dầu, củi thông để học bài nữa.
Ia H’Drai là huyện mới được thành lập, nhưng người dân từ khắp mọi miền đến đây lập nghiệp, làm công nhân các đơn vị trồng, khai thác mủ cao su từ khá lâu. Tuy nhiên, do địa hình cách trở, các điểm dân cư ở tách biệt trong các cánh rừng cao su xa xôi nên trước đây đường điện vẫn chưa được kéo đến. Vài năm gần đây, các làng mới dần dần được đầu tư hệ thống lưới điện. Điện kéo tới đâu, cuộc sống của người dân cũng thay đổi theo đến đó, ấm no, tiện nghi và hiện đại hơn.
Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên của năm 2016, thôn 1 (xã Ia Dom) chính thức được đóng điện. Hôm ấy, mọi người trong làng đều ở nhà chờ đợi và ăn mừng sự kiện điện lưới đã về tới thôn. Ai cũng háo hức, rủ nhau ra tận khu vực trạm biến áp để xem các anh thợ điện thực hiện khâu đóng điện. Khi chiếc cầu dao đóng lên, những chiếc bóng điện Compac bật sáng trưng, niềm vui vỡ oà trong tiếng reo hò của trẻ con, người lớn.
Trong bữa cơm liên hoan mừng có điện do bà con đóng góp tổ chức, tôi thực sự xúc động khi nghe những dự định của người dân, nhà thì tính mua cái ti vi, nồi cơm điện; nhà thì tính mua cái tủ lạnh, máy bơm nước, cái quạt điện... Bao nhiêu tính toán đều xoay quanh chuyện có điện.
Những ngày cuối năm có dịp trở lại đây, tôi thật ngỡ ngàng trước những thay đổi trong cuộc sống của người dân. Giờ nhà nào cũng có đầy đủ các thiết bị điện gia dụng. Sau một ngày đi làm, tối đến, điện sáng trưng từ trên nhà xuống dưới bếp ra ngoài sân; bơm nước, cắm cơm...
Chưa hết, từ khi có điện, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở dịch vụ xay xát lúa bằng máy điện, mở xưởng cưa xẻ; kinh doanh dịch vụ giải khát, làm đẹp; giúp phát triển kinh tế gia đình góp phần xây dựng thôn, làng ngày càng giàu đẹp.
|
“Đói” điện cả chục năm nay, đúng ngày Tết Độc lập năm 2017, hơn 40 hộ dân thôn 1 (xã Ia Tơi) đã chính thức được hoà điện lưới phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Hơn 5km đường dây kéo qua một vùng rừng núi rộng lớn đã được ngành Điện thi công suốt hơn nửa năm trời để đưa ánh sáng của Đảng đến với người dân trong thôn.
Giới thiệu một loạt các thiết bị điện mới được mua sắm, nào là chiếc tủ lạnh, tủ đông, chiếc tivi LED, nồi cơm điện... chị Nguyễn Thị Tuyết hồ hởi kể: Sau khi làng có điện là em đi mua liền những thiết bị điện cần thiết này. Mấy tháng nay, mọi sinh hoạt thuận tiện hơn rất nhiều, đi làm về tối cũng không lo, bật điện rồi vào cắm nồi cơm, lấy đồ ăn trong tủ lạnh ra chế biến, sau đó cả nhà quây quần vừa ăn cơm vừa xem ti vi; rồi bọn trẻ vào bàn bật đèn lên học bài. Tối đến, bà con trong làng kéo đến uống chè xanh và rôm rả đủ thứ chuyện. Sướng nhất là không còn phải chịu cái cảnh nóng nực, kè kè cái quạt tay khi ngủ…
Người dân trong thôn kể rằng, trước đây, để giải quyết nhu cầu bức bách về điện, những hộ gia đình có điều kiện mua máy phát rồi cho các gia đình trong thôn góp chung tiền xăng đổ vào máy để lấy điện thắp sáng, bơm nước từ 18h30 – 20h30.
Tuy nhiên, điện máy phát không ổn định, lúc mạnh lúc yếu, lúc được lúc mất, bóng điện thay như cơm bữa. Ấy vậy mà, nhà nào mỗi tháng cũng mất đứt 200.000 – 250.000 đồng tiền mua xăng, chưa kể khi máy bị hỏng còn phải bỏ thêm tiền để sửa. Có điện lưới an toàn, ổn định, bà con trong làng đã mạnh dạn mua sắm máy xay xát, tủ lạnh... thoả mong ước bấy lâu nay.
Do địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi nên rất nhiều năm qua, người dân vùng sâu ở nhiều nơi không có điện lưới sử dụng. Đời sống sinh hoạt của bà con cũng như việc học tập của các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Có điện lợi trăm đường, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng khởi sắc; người dân có điều kiện phát triển kinh tế; mở ra niềm hy vọng, hứa hẹn giảm đi cái đói, cái nghèo.
|
Thế nhưng để đưa được dòng điện đến với bà con vùng khó là cả một sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong tỉnh và ngành Điện. Do các thôn làng này đều ở những nơi xa xôi, địa hình phức tạp, đường dây tải dài, thi công rất khó khăn, dân cư sống thưa thớt nên chi phí đầu tư rất lớn.
Ví dụ như, để đưa được điện đến với 240 hộ dân thuộc các thôn Đăk Rắc, Đăk Pleng, Đăk Bông 1 (xã Măng Bút) và 2 thôn Kon Plinh, Kon Piêng (xã Hiếu) huyện Kon Plông, ngành Điện đã đầu tư tới 12,309 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền điện sinh hoạt hàng tháng của mỗi hộ dân chỉ dăm bảy mươi ngàn đồng. Nếu chỉ đơn thuần là kinh doanh hẳn chẳng ai đi đầu tư để... lấy lỗ như vậy.
Đúng là điện về đã làm bừng sáng những ngôi nhà, những vùng quê heo hút, nâng niu ánh mắt trẻ thơ bên bàn học. Hơn thế nữa, điện về sẽ từng bước nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, giúp người dân mở mang thêm những hiểu biết, kiến thức mới, áp dụng vào sản xuất, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của mỗi vùng quê. Và thế là theo dòng điện, mỗi mùa xuân, người dân những vùng khó lại thêm phần ấm hơn về cả vật chất lẫn tinh thần.
Thuỳ Hương