Điện về bừng sáng đại ngàn

30/12/2020 06:05

Mải mê với câu chuyện về điện, mặt trời lặn lúc nào không hay, chúng tôi rời Tu Mơ Rông khi ánh điện đã bừng lên lung linh giữa đại ngàn.

Trong chuyến công tác cuối năm về xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông), chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất rượu Ngũ vị tử của chị Y Phương ở thôn Năng Nhỏ 1.

Đang tất bật xây dựng cơ sở mới, chị Y Phương phấn khởi khoe: Tôi xây thêm một cơ sở để mở rộng sản xuất. Hồi này có điện rồi nên việc xây dựng thuận lợi hơn rất nhiều, từ việc cắt sắt, cắt gạch, trộn hồ… rất đơn giản. Tôi vừa mua một lò nấu rượu chạy bằng điện về trang bị cho cơ sở mới. Có lò điện này, gia đình tôi không còn phải vất vả như trước đây, mà sản phẩm làm ra cũng nhiều hơn.

Cũng theo chị Phương, bây giờ có điện, đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhà nào cũng có ti vi, điện thoại... Mọi thông tin trong nước, trong tỉnh, trong huyện và cả nước ngoài; chuyện làm ăn phát triển kinh tế, tình hình dịch bệnh, bão lũ… bà con đều nắm được. Nhờ có điện mà việc học tập của con em cũng tốt hơn.

Có điện, chị Y Phương trang bị nồi nấu rượu chạy bằng điện cho cơ sở của mình. Ảnh: VT

 

Nghe vậy, anh Nguyễn Văn Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Sao gật gù đồng tình: Điện về đến đâu, cuộc sống thay đổi đến đấy. Có điện, nhiều hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, hoặc sắm máy bơm nước. Trước đây, bà con chỉ biết trồng cây lúa, cây mì, đến nay, toàn xã đã phát triển được 133ha cà phê, 481,5ha bời lời, 5ha bobo, 17,6ha cây ăn quả và 4,8ha dược liệu…

Rời Đăk Sao, chúng tôi vào thăm thôn Tam Rin, xã Ngọc Yêu nằm cheo leo trên núi để mục sở thị sự “thay da, đổi thịt” ở nơi đây sau gần một năm có điện lưới quốc gia.

Tiếp tôi trong căn nhà sàn ấm cúng, trưởng thôn A Pheo để nồi cơm điện sang bên, cắm bình siêu tốc nấu nước pha trà. Nhâm nhi ly trà nóng, ông Pheo cười hiền: Bây giờ nấu cơm, nấu nước, thắp sáng… đều bằng điện, vừa nhanh, vừa tiện, lại sạch sẽ.

Chỉ tay về chiếc radio cũ kỹ nằm góc nhà, ông nói: Trước đây, ở Tam Rin cũng như các làng bên, bà con chỉ biết đến thông tin bên ngoài qua đài, nhiều lúc sóng yếu, âm thanh rè rè, khó chịu lắm. Bây giờ điện về làng, qua ti vi, bà con trông thôn không chỉ nghe, mà còn được xem mọi thông tin thời sự, được thấy cách làm giàu của người dân trong và ngoài tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cCông nhân Điện lực Tu Mơ Rông vẫn luôn làm tốt vài trò của mình đểủa cán bộ thôn, xã cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Đời sống được nâng lên, bây giờ nhà nào cũng có các thiết bị điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Ảnh: VT


Tháng 4/2020, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của ngành Điện, thôn Tam Rin được hòa mạng điện lưới quốc gia. Ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Điện lực Tu Mơ Rông cho biết: Điện lực Tu Mơ Rông đã đầu tư một công trình điện mới cho hơn 30 hộ ở thôn Tam Rin với kinh phí hơn 700 triệu đồng. Đây là dấu mốc quan trọng, bởi từ đây, 100% số hộ trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông được sử dụng điện.

Ông Lê Văn Hoàng -  Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu kể: Từ ngày có điện, nhiều hộ dân đã mua sắm các thiết bị, máy móc phục vụ cho đời sống, sản xuất; năng suất theo đó tăng mạnh, đời sống bà con khấm khá hẳn lên. Về phía chính quyền, chúng tôi vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ vào sản xuất để giảm bớt công sức lao động. Đến nay, trong gần 300ha cà phê của xã, có không ít diện tích được các hộ dân áp dụng công nghệ tưới tự động, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Cũng theo ông Lê Văn Hoàng, nhờ có điện, nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư trồng và chế biến các loại cây dược liệu như sâm dây, lan kim tuyến… Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với Điện lực Tu Mơ Rông đưa điện vào khu quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai đầu tư, từ đó, giúp tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Công nhân Điện lực Tu Mơ Rông luôn nỗ lực để giữ dòng điện thông suốt. Ảnh: VT

 

Tu Mơ Rông là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh với địa hình đồi núi hiểm trở, có nhiều thôn, làng vùng sâu vùng xa với mật độ dân cư thưa thớt. Có những nơi chỉ có vài chục hộ dân nhưng lại cách trung tâm hàng chục ki lô mét khiến cho việc kéo điện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua hơn 15 năm nỗ lực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước không để dân “đói điện”, cán bộ, công nhân Điện lực Tu Mơ Rông đã đưa được điện lưới quốc gia đến 100% số xã, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho tất cả các hộ dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm: Hiện nay, Điện lực Tu Mơ Rông quản lý 151km đường dây trung thế, 82km đường dây hạ thế và 128 trạm biến áp. Để đảm bảo đường điện luôn thông suốt, hằng ngày, 18 cán bộ, công nhân của đơn vị chia thành từng tổ bám theo từng tuyến đường dây để kiểm tra, phát quang và xử lý các sự cố; đồng thời, giải đáp các thắc mắc mà người dân gặp phải trong quá trình sử dụng; sửa chữa đường điện sau công tơ, ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện…

Mải mê với câu chuyện về điện, mặt trời lặn lúc nào không hay. Chúng tôi rời Tu Mơ Rông khi ánh điện đã bừng lên lung linh giữa mênh mông đại ngàn. Trong mỗi mái nhà, dưới ánh điện đang râm ran những câu chuyện đưa máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Một cuộc sống ấm no đã hiện hữu giữa đại ngàn Ngọc Linh.

Văn Tùng

Chuyên mục khác