22/01/2022 13:05
Đáp chuyến bay từ thành phố Hà Nội xuống thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) lúc chiều muộn, thêm 1 giờ di chuyển bằng xe khách trên Quốc lộ 14 về thành phố Kon Tum, anh Lưu Quang Hòa (54 tuổi, nhiều năm sinh sống và công tác tại Liên bang Nga) cùng 40 người khác, đều học cùng lớp từ thời phổ thông cũng đến điểm du lịch của nghệ nhân ưu tú A Biu nằm ở làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay.
Thông qua sự giới thiệu của một đồng nghiệp đã từng vào tỉnh Kon Tum công tác, anh Hòa - lớp trưởng và cũng là trưởng đoàn đã xây dựng chương trình tham quan tỉnh Kon Tum trong thời gian 5 ngày 4 đêm và nhà của nghệ nhân A Biu là điểm du lịch đầu tiên mà đoàn lựa chọn ghé thăm.
|
Đón đoàn tại cổng nhà, nghệ nhân A Biu cùng các thành viên trong đội cồng chiêng, múa xoang của làng Plei Klếch vui mừng, bắt tay chào đón và trao những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Ba Na được dệt bằng thổ cẩm cho anh Hòa và mọi người.
Bên ánh lửa trại giữa khuôn viên sân nhà nghệ nhân A Biu, tiếng cồng chiêng vang lên. Vừa mặc trang phục dân tộc, vừa tham gia đánh cồng chiêng, múa xoang, rồi đi vòng quanh bên ánh lửa cùng người làng Plei Klếch, anh Hòa và những người khác trong đoàn đều cảm thấy thích thú.
Sau màn giao lưu văn hóa cồng chiêng và múa xoang, anh Hòa và mọi người được thưởng thức ẩm thực do chính người dân làng Plei Klếch nuôi trồng và thu hoạch được, như măng le xào hành, gà vườn, thịt heo làng nướng, cơm lam và rượu cần…
Đắm chìm trong hương nồng của men rượu, say sưa nghe những bài dân ca Xơ Đăng và câu chuyện về cuộc đời gắn bó, gìn giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng Ba Na do nghệ nhân A Biu hát cùng kể lại, đoàn của anh Hòa cứ thế ở lại giao lưu đến tận khuya.
|
Trước khi về, anh Hòa và những người khách trong đoàn không quên cảm ơn nghệ nhân A Biu và dân làng vì đã cho anh cùng mọi người một buổi tối trải nghiệm đầy thú vị và mãn nhãn. Anh cùng mọi người cũng không quên chụp hình lưu niệm và mua những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Ba Na đang mặc trên người để làm kỷ niệm.
Đêm đầu tiên ở thành phố Kon Tum, đoàn của anh Hòa ở một khách sạn bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi. Sáng ngày hôm sau, mọi người dậy sớm tản bộ, hít thở không khí mát lạnh trên cầu treo Kon Klor, sau đó đến tham quan trải nghiệm ở làng cổ Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa). Đây là làng du lịch cộng đồng còn nhiều nét hoang sơ, đặc sắc của đồng bào BaNa.
Những ngày còn lại của hành trình khám phá vùng đất Kon Tum, đoàn của anh Hòa đi xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) để trải nghiệm tham quan lòng hồ thủy điện Ia Ly bằng thuyền và thưởng thức những món ăn được chế biến từ nguồn thủy sản do người dân địa phương đánh bắt được. Đồng thời, di chuyển lên khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông), ghé thăm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những trang trại với nhiều cây ăn trái đang vào mùa thu hoạch ở khu dân cư 37 hộ và giao lưu với người dân làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring.
Anh Hòa và các thành viên trong đoàn chia sẻ, đây là lần đầu tiên mọi người đến với tỉnh Kon Tum. Khí hậu, phong cảnh, văn hóa và con người nơi đây đều rất tuyệt vời. Trở về thành phố Hà Nội sau những ngày du lịch ở Kon Tum, anh cùng mọi người trong đoàn đều cho hay, chắc chắn sẽ quay lại thăm Kon Tum trong một ngày gần nhất.
Giống như anh Hòa và những người bạn học của mình, Trần Tuấn (44 tuổi) cùng gia đình lựa chọn đến tỉnh Kon Tum để du lịch và nghỉ ngơi khi vừa trở về nước định cư sau nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc ở Hàn Quốc.
Là giảng viên đại học về kỹ thuật cơ khí và có thời gian làm việc trong nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia, anh Tuấn cùng vợ và các con của mình có nhiều cơ hội và trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Đất nước Hàn Quốc, nơi anh Tuấn và gia đình của mình từng sinh sống cũng là quốc gia có nền du lịch phát triển, nhất là du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn.
Sau vài ngày ở Kon Tum, tham quan những ngôi làng ven sông Đăk Bla ở thành phố Kon Tum và nghỉ dưỡng ở thị trấn Măng Đen, bản thân anh Tuấn và gia đình của mình đều thừa nhận, Kon Tum là địa phương có nhiều địa điểm để khai thác và tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
“Kon Tum có đặc trưng riêng so với các địa phương khác trên cả nước. Kon Tum có khí hậu trong lành và cảnh vật rất thanh bình. Nếu được định hướng và quy hoạch tốt, nhất định Kon Tum sẽ trở thành điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách đến tham quan”, anh Tuấn nhận định.
|
Đồng quan điểm với anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Mỹ Vân, quản lý một doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tham quan vườn sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray và Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen chia sẻ, hầu hết các địa điểm du lịch về nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Kon Tum có quãng thời gian di chuyển không dài từ trung tâm thành phố Kon Tum. Là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và sản vật địa phương phong phú, nếu được đầu tư trọng tâm, nâng cấp về đường giao thông, dịch vụ lưu trú, tổ chức các dịch vụ trải nghiệm về văn hóa cộng đồng bài bản cho du khách và quảng bá tốt, Kon Tum sẽ là điểm đến thu hút nhiều du khách trong thời gian đến và được nhiều doanh nghiệp lữ hành quan tâm.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thực hiện các đề án, quyết định, kế hoạch phát triển du lịch của địa phương, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng và phát triển 3 làng du lịch cộng đồng tại thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và huyện Ngọc Hồi. Tỉnh cũng thu hút được 10 dự án đầu tư kết hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn liên quan đến trồng rau, hoa, quả, dược liệu, nuôi cá nước lạnh, du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại dưới tán rừng…, với tổng vốn đăng ký hơn 1.617 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 điểm du lịch địa phương được UBND tỉnh công nhận, hầu hết là điểm du lịch về văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn tại huyện Kon Plông, thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà. Nổi bật là các điểm du lịch đã tham gia chương trình OCOP và đạt hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên, như điểm du lịch nghệ nhân A Biu, trải nghiệm du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Chư Mom Ray của Công ty TNHH Licoty; nhà máy rượu vang sim của Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn (thị trấn Măng Đen); vườn sâm Ngọc Linh của Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông…Đây là những điểm đến hấp dẫn khi du khách đến với Kon Tum.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, triển khai các đề án bảo tồn nghề truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phổ biến thông tin, quảng bá du lịch, gắn phát triển sản phẩm OCOP với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để đưa ngành du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp và người dân địa phương./.
Bài và ảnh: Đức Thành