Đi chợ online

01/09/2020 13:02

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và có những diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước thì phương án đi chợ online lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Không cần phải đến tận cửa hàng hay ra siêu thị, chỉ cần một chiếc máy tính, điện thoại thông minh hay chiếc máy tính bảng có kết nối internet cùng một vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể mua bất kỳ loại hàng hóa nào mình muốn. Thương mại điện tử xuất hiện trong mấy năm trở lại đây đang dần được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở nước ta, hình thức mua sắm trực tiếp ngày càng có chiều hướng thu hẹp hơn. Thay vào đó, người dân tìm đến các cách thức mua sắm phi truyền thống như đặt hàng trên mạng, gọi điện trực tiếp tới cửa hàng để được phục vụ, gọi người nhờ mua hàng trực tiếp tại cửa hàng và siêu thị…Hàng hóa phong phú, giá cả đa dạng, nhiều lựa chọn và nhất là hạn chế được việc phải đến nơi đông người – hình thức đi chợ online này đang trở thành xu hướng mua sắm thời dịch bệnh.

Chị Phạm Thị Nhi (tổ 7, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Trước mình hay có thói quen tới siêu thị để mua sắm tiện thể cho các con đi chơi luôn. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, mình thấy mua sắm online là lựa chọn tối ưu vì vẫn mua được hàng hóa mình cần, chỉ cần ngồi ở nhà, truy cập ứng dụng, lựa mặt hàng mình thích, thanh toán qua mạng và sẽ được giao hàng tận nơi mà không phải đến tận siêu thị, chen chúc xếp hàng thanh toán…Mình nghĩ, trong lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì mua sắm online góp phần hạn chế việc tập trung đông người.

Mua hàng online ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: T.H  

 

Còn chị Thu Uyên (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) kể: Từ ngày xảy ra dịch bệnh Covid-19, đa số việc mua sắm của gia đình tôi đều qua điện thoại di động. Muốn mua gì chỉ cần vào trang web hoặc lên facebook đặt hàng là có ngay. Từ quần áo, giày dép đến những đồ tiêu dùng hằng ngày đều có. Ngay cả thực phẩm, đồ ăn uống cũng rất đa dạng và chỉ cần vài cú nhấp chuột hoặc nhấc điện thoại lên gọi rồi chờ họ ship đến tận nhà. Tôi thấy, mua sắm online rất tiện, nhiều lựa chọn và bớt được việc tiếp xúc nhiều người.

Mua bán online không chỉ diễn ra trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện đại mà còn nhộn nhịp trên mạng xã hội. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê…đã đẩy mạnh việc bán hàng qua kênh facebook, zalo. Thậm chí, còn điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến tận nơi bán. Sau đó, nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách hàng.

Mặc dù đi chợ online mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay, nhưng cũng chính từ đây lại nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Bởi, mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng không thể trực tiếp thử, kiểm tra sản phẩm nên hàng hóa nhiều khi không được như kỳ vọng. Thậm chí, mua phải hàng nhái, hàng rởm và bất tiện trong việc nhận hàng do phải chờ đợi.

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường Kon Tum, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 thì hình thức kinh doanh online phát triển mạnh mẽ kéo theo đó là việc gia tăng các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng. Trong đó, phổ biến nhất các đối tượng kinh doanh tìm cách mua bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dụng các kỹ thuật cao của công nghệ thông tin để qua mặt các cơ quan chức năng.

Có thể nói, đi chợ online là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, hình thức mua sắm này cũng đang được các ngành chức năng, đơn vị kinh doanh khuyến khích để hạn chế việc tập trung đông người trong thời kỳ dịch bệnh và hạn chế sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng phải thật cẩn trọng và chọn những địa chỉ mua sắm, đơn vị vận chuyển uy tín để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.

Thiên Hương

Chuyên mục khác