Đi chợ đầu Xuân

15/02/2021 12:38

Ngày mùng 3 Tết Tân Sửu 2021, nhiều tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum đã mở cửa bán hàng trở lại. Hoạt động mua bán trong phiên chợ đầu năm diễn ra khá đơn giản, nhanh gọn và rất vui vẻ, thân thiện. Người bán chủ yếu mở hàng lấy may, còn người mua mong chút lộc đầu Xuân.

Nếu như ngày mùng 2 Tết, số lượng tiểu thương mở cửa buôn bán còn khá khiêm tốn, thì ngày mùng 3 Tết đã đông hơn nhiều. Nhất là tại một số khu vực chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum như Trung tâm thương mại, chợ Duy Tân, chợ Nguyễn Thị Minh Khai… hoạt động mua bán diễn ra khá sôi động. Lượng hàng hóa không nhiều và cũng không đa dạng như chợ thường ngày, phiên chợ đầu năm đa số chỉ bán những mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ, trái cây, tôm cá và mặt hàng trầu cau, hoa tươi, nhưng không khí mua bán diễn ra vui tươi.

Ghé sạp hàng nhỏ chỉ ít trái cây, trầu cau và một số bì muối của bà cụ ngồi trước cửa Trung tâm thương mại, chị Phạm Thị Nhi (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) nhanh tay chọn 1 quả đu đủ thật đẹp với một bì muối và vài quả cau, lá trầu. Những trái cau, lá trầu được xem như món lộc đầu năm để cho những ai thành tâm sẽ gặp duyên may, phước lành. Bì muối nhỏ với mong ước cho gia đình một năm êm ấm, hạnh phúc.

Chị Nhi cho biết: Năm nào mùng 3 Tết tôi cũng đi chợ để mua chút lộc đầu Xuân. Tôi thường chọn mua hàng của những người lớn tuổi với mong muốn được chút phước lộc của người già, đồng thời, đây cũng xem như cách để mừng tuổi cho các cụ. Ngoài ra, tôi còn mua thêm rau xanh, trái cây vì những loại thực phẩm này để lâu không ngon nên trước Tết tôi chỉ mua đủ dùng trong vài ngày. Tôi cũng không đặt nặng việc giá cả mà quan trọng mình thấy phù hợp, người bán hàng thấy vui vẻ là được.

Bà Đặng Thị Giỏi (đường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Đầu năm, đa phần mọi người thường đi chợ mua một ít muối, trầu cau để cầu mong sự may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho gia đình nên tôi cũng tranh thủ lấy một ít hàng để bán. Lợi lộc không nhiều, nhưng Tết mà, việc mua bán cũng không cần tính toán quá, có lộc là được. Vả lại, không khí đi chợ đầu năm rất vui, ai cũng thân thiện, cởi mở nên tôi cũng thích được ra chợ.

Tôi cũng chọn mua một bì muối nhỏ, một trái đu đủ, vài lá trầu, quả cau thêm chút vôi hồng để cầu mong cho gia đình nhỏ của mình một năm mới bình an và hạnh phúc.

Không chỉ đi chợ “mua lộc cầu may”, rất đông người dân còn đi chợ để mua thực phẩm, rau xanh phục vụ bữa cơm gia đình.

Chị Bích Trâm (tổ 1, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) cho biết: Tôi tranh thủ đi chợ mua ít rau củ, thực phẩm, trái cây, hoa tươi về làm mâm cơm cúng đưa ông bà. Tôi nhận thấy, dù là chợ Tết, nhưng giá cả hàng hóa khá ổn định, không có tình trạng tiểu thương “hét giá”, mình cũng không phải mặc cả.

Người dân đi chợ mua rau xanh. Ảnh: TH

 

Các tiểu thương thì chủ yếu là mở hàng để “lấy ngày” đẹp với mong muốn có một năm buôn bán thuận lợi.

Chị Nguyễn Loan Phượng- tiểu thương bán trái cây tại Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum cho biết: Mùng 2 Tết đẹp ngày nên tôi mở hàng bán trở lại. Tuy khách hàng chưa đông, nhưng tôi vẫn bán giá như như dịp trước Tết. Việc mua bán đầu năm phần nhiều là mong có được một năm buôn bán thuận lợi chứ tôi không đặt nặng vấn đề lời lãi nhiều hay ít.

Nhìn chung, nhu cầu mua bán của người dân trong những phiên chợ đầu năm không nhiều và giá cả thực phẩm vì thế không có nhiều biến động so với những ngày giáp Tết. Chẳng hạn, một số loại rau xanh như đậu cô ve, bắp xú, khổ qua, xà lách giá dao động từ 13.000-18.000 đồng/kg, các loại rau cải từ 5.000-7.000 đồng/bó; các loại trái cây như xoài, cam, quýt từ 35.000- 45.000 đồng/kg (tuỳ loại); các loại cá nước ngọt như rô phi khoảng 55.000 đồng/kg, diêu hồng 60.000đồng/kg, cá trắm khoảng 100.000 đồng/kg...

Đặc biệt, dường như không có chuyện nói thách hay kỳ kèo trả giá giữa người bán và người mua; cũng không có cảnh chèo kéo, xô lấn như những phiên chợ ngày thường mà thay vào đó là sự vui vẻ, cùng những lời chúc “mua may bán đắt”, sức khỏe, bình an trong năm mới. Vì thế mà không khí phiên chợ đầu năm khá trật tự và ấm áp tình người.

Những phiên chợ đầu năm luôn mang ý nghĩa về tài lộc nên ngoài những người buôn bán chuyên nghiệp thì cũng có rất nhiều người dân tranh thủ mang những sản vật của nhà như cau, trầu, rau củ quả, trái cây, hoa tươi, gà, vịt, cá đồng... ra để bán lấy may.

Điều đáng ghi nhận là hầu như tất cả tiểu thương, những người bán hàng đều đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19.

Hoạt động mua bán diễn ra trong những buổi chợ đầu tiên của năm mới luôn nhanh chóng, vui vẻ và mọi người sẽ cảm nhận được sự ấm áp, thân thiện qua những lời chúc yêu thương cùng những trao đổi mua bán nhẹ nhàng. Đây chính là nét đẹp của những phiên chợ đầu Xuân.

Thùy Hương

Chuyên mục khác