Đến với những mô hình hiệu quả từ vốn vay ưu đãi

27/11/2018 18:46

​Hướng tới giảm nghèo đa chiều và đẩy mạnh các biện pháp xã hội hóa huy động nguồn vốn, thành phố Kon Tum đang chuyển dần từ hình thức hỗ trợ vốn sang chủ yếu hỗ trợ mang tính tác động nhằm giúp hộ nghèo thành phố tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển chăn nuôi, hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề… Bằng cách làm này, góp phần thúc đẩy nhiều mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển chăn nuôi mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi và đã đem lại hiệu quả.

Vốn là hộ nghèo, năm 2014, ông Nguyễn Duy Điệp ở tổ 4, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum để sản xuất rau an toàn VietGap với diện tích 3.000m2.

Trước đây, cũng như nhiều hộ gia đình khác, ông Điệp trồng rau một cách tự phát, dựa trên kinh nghiệm. Từ khi tham gia chương trình VietGap, được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kỹ thuật; được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi, ông sản xuất rau an toàn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, đến xử lý sâu, bệnh. Dần dần sản phẩm rau an toàn của ông Điệp đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trên thị trường, trong đó có 5 trường học bán trú của thành phố đăng ký lấy hàng ổn định. Đến nay, ông đã trả gần hết số tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tiết kiệm hàng năm trên 120 triệu đồng. Gia đình ông thoát nghèo bền vững.

Đàn bò của chi Y Dum

 

Gia đình chị Y Dum- thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết (thành phố KonTum) có 4 người con thì 1 người bị bệnh thần kinh, chồng bị bệnh phong không làm được việc nặng. Một mình chị phải gánh vác mọi việc từ ruộng vườn, nhà cửa, bếp núc và cả làm thuê, làm mướn để kiếm tiền, nhưng cái nghèo cứ đeo bám gia đình chị.

Từ khi được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo, chị mua bò về nuôi. Chỉ sau hơn 2 năm bò mẹ sinh sản chị bán bê con trang trải cuộc sống và trả bớt nợ ngân hàng. Đến nay, ngoài duy trì trả lãi hàng tháng, gia đình chị còn trả được 14 triệu tiền gốc.

Còn chị Y Banh ở thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) tâm sự: Tôi vay vốn hộ nghèo được 20 triệu đồng năm 2015, nhưng cái khó nhất là sử dụng nguồn vốn như thế nào để có hiệu quả. Tôi đã tận dụng quỹ đất còn dư thừa của gia đình để trồng cỏ chăn nuôi bò. Tuy ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng qua học hỏi kinh nghiệm, bước đầu gia đình tôi đã khá thành công với mô hình này. Đến nay, bò mẹ tôi mua đã sinh sản 2 con bê thật đẹp, nếu bán, có giá khoảng 9 triệu đồng/con. Địa bàn xã Vinh Quang còn nhiều đồng cỏ để chăn nuôi, tôi yên tâm với mô hình này.

Chị Y Lan - Trưởng phòng Kế hoạch - Tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, phụ trách công tác tín dụng địa bàn thành phố Kon Tum cho biết: Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Kon Tum phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để các đối tượng hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ một cách nhanh nhất, nhằm giúp các đối tượng này có nguồn vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng  bước thoát nghèo bền vững.

Tính đến cuối tháng 10/2018, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Kon Tum trên 391 tỷ đồng, với 14.765 hộ vay theo 15 chương trình. Trong đó, cho vay ưu đãi hộ nghèo 57,417 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 53,699 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 139,219 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 19,173 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 57,859 tỷ đồng…

Vườn rau VietGap của ông Nguyễn Duy Điệp

 

Thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn của các tổ chức đoàn thể đã quản lý tốt nguồn vốn vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng. Qua việc sử dụng các nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm dần qua từng năm, năm 2016 giảm còn 6,3%  và năm 2017 giảm còn dưới 5%. Chị Y Lan cho chúng tôi biết thêm về hiệu quả mang lại của việc cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo trên địa bàn thành phố Kon Tum đã sử dụng có hiệu quả trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, từng bước nâng cao đời sống kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Có thể khẳng định, việc sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả chính là “đòn bẩy” quan trọng giúp hộ nghèo trên địa bàn thành phố phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bài và ảnh: Dương Lê

Chuyên mục khác