Để việc cải tạo đàn bò địa phương hiệu quả

10/06/2018 18:02

​Lứa bê lai giống Brahman ra đời qua phương pháp thụ tinh nhân tạo được người chăn nuôi hoan nghênh. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Phương án nâng cao chất lượng đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đề ra, cần đẩy mạnh thực hiện nhiều biện pháp.

Để góp phần cải tạo đàn bò địa phương, ngày 21/5/2015 UBND tỉnh có Quyết định số 512/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án nâng cao chất lượng đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động và tập huấn cho người dân có bò cái nền tham gia thực hiện phương án; xây dựng đội ngũ dẫn tinh viên giúp các hộ dân thụ tinh nhân tạo bò cái nền theo Phương án.    

Qua quá trình xúc tiến các hoạt động, tháng 8/2016, lực lượng dẫn tinh viên kịp thời triển khai thực hiện Phương án. Tinh giống được lựa chọn thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái nền địa phương là tinh bò đực giống Brahman.

Bê lai bên cạnh bò mẹ ở Vinh Quang. Ảnh: V.N

 

Sau những ngày mong đợi, năm 2017 lứa bê lai giống Brahman ra đời có vóc dáng to, khỏe mạnh đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người chăn nuôi. Lực lượng thú y và dẫn tinh viên ai nấy đều phấn khởi trước thành quả do mình tạo ra. Từ những thành công của lứa bê lai đầu tiên ra đời, việc triển khai thực hiện Phương án thuận lợi hơn những năm trước.

Theo ông Đặng Bá Quyết- Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, chỉ tính riêng năm 2017, Chi cục phối hợp với các huyện, thành phố mở 18 lớp tập huấn cho 781 hộ dân có bò cái nền tham gia thực hiện Phương án; phê duyệt danh sách 1.300 hộ đăng ký tham gia trên 2.000 con bò cái nền để thực hiện phương án. Qua thực hiện, tính đến nay, toàn tỉnh có 1.252 con bò được phối giống. Trong số bò cái nền được phối giống, đến nay có 317 con bò cái nền cho ra đời 317 con bê lai. Nhìn chung, bê lai ra đời đáp ứng được những tiêu chí đặt ra trong việc thực hiện mục tiêu của Phương án.

Trao đổi về việc thực hiện Phương án, bà Nguyễn Thị Tình, thôn Phương Quý II, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) phấn khởi cho biết, bê lai ra đời từ thụ tinh nhân tạo khỏe mạnh, mướt lông, có vóc dáng to và giá trị hơn so với giống bê địa phương. Không chỉ ở gia đình tôi, ở xã Vinh Quang có nhiều hộ có bê lai ra đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng bò lai. Việc thực hiện Phương án này đang tích cực góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò địa phương và giúp người chăn nuôi thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống.  

Tuy nhiên, so với mục tiêu đến năm 2020 số lượng bò lai của tỉnh tăng thêm tối thiểu 6.000 con (mỗi năm khoảng 2.000 con bò lai) thì việc thực hiện Phương án còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa và cần phải có sự quan tâm chỉ đạo mạnh và sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Vấn đề được ông Quyết trăn trở là công tác tuyên truyền, vận động người dân có bò cái nền tham gia thực hiện Phương án hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa tạo ra sự đồng thuận mạnh của người chăn nuôi; một số hộ dân vẫn còn e ngại với phương pháp thụ tinh nhân tạo. Tập quán chăn nuôi bò thả rông vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương; số lượng bò “đực cóc” chưa thiến còn nhiều ảnh hưởng đến công tác phối giống. Việc vận chuyển tinh, ni-tơ xa dẫn đến hao hụt ni-tơ trong phối giống...

Để đạt mục tiêu Phương án đề ra, Chi cục  Chăn nuôi và thú y tỉnh đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi có bò cái nền tham gia thực hiện Phương án. Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện các phóng sự chuyên đề phát trên các làn sóng phát thanh-truyền hình nói riêng và đăng tải trên báo chí nói chung để người dân thấy được lợi ích, hiệu quả…từ đó tích cực thực hiện Phương án.

Trong quá trình thực hiện Phương án, các hộ chăn nuôi cần triệt sản bò “đực cóc” địa phương; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái nền và bê lai sau khi sinh, bảo đảm điều kiện cho bê lai phát triển tốt.    

Về phần mình, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, điều trị bệnh cho bò, bê lai sau sinh và phương pháp phát hiện bò cái động dục để thực hiện Phương án có hiệu quả.

                                                                             Văn Nhiên

Chuyên mục khác