Để Tu Mơ Rông thành “vương quốc” dược liệu - Kì 2: Dược liệu Tu Mơ Rông xuất ngoại

30/12/2022 06:08

Không chỉ khuyến khích người dân trồng dược liệu, huyện Tu Mơ Rông còn “trải thảm đỏ” mời gọi những doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào cây trồng này. Chính những đơn vị này đã xây dựng được vùng trồng dược liệu hàng nghìn hécta cũng như tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để xuất khẩu, góp phần quảng bá thương hiệu dược liệu Tu Mơ Rông.

Doanh nghiệp “bắt tay” dân trồng sâm

Tại Tu Mơ Rông, cây dược liệu được phân thành 2 loại: Quốc bảo sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác. Trong đó, đối với sâm Ngọc Linh, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum được xem là cánh chim đầu đàn, bởi đơn vị này có công bảo tồn, phát triển trước nguy cơ tuyệt chủng của loại dược liệu quý này. Để trồng sâm, đơn vị này chọn mô hình liên kết với dân, cùng bắt tay với người dân, cùng dân hưởng lợi. Đến nay, chỉ riêng tại 3 xã Tê Xăng, Ngọc Lây, Măng Ri có khoảng 400 hộ dân tham gia liên kết trồng sâm với Công ty.

Gặp chúng tôi, anh A Chen (thôn Chung Tam, xã Măng Ri) hồ hởi cho biết cuộc sống gia đình anh khá lên từ 7 năm trước, sau khi tham gia liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Anh dẫn chứng, dù sống tại “thánh địa” sâm nhưng anh gặp khó trong việc phát triển vườn sâm vì không có cây giống. Đến khi Công ty mời gọi liên kết, anh đồng ý tham gia. Việc “bắt tay” này đã mang lại lợi ích cho hai bên.

Người dân Tu Mơ Rông phát triển sâm Ngọc Linh thành cây chủ lực thoát nghèo. Ảnh: PN

 

“Mỗi tháng họ trả 3 triệu đồng tiền công, bao ăn uống, Tết lại được tặng heo, nhu yếu phẩm. Đặc biệt, mỗi năm, Công ty còn hỗ trợ thêm 100 cây sâm giống (trị giá 30 triệu đồng) cho gia đình. Nhờ số giống hỗ trợ hàng năm, đến nay, mình đã gây dựng được vườn sâm khoảng 5.000 cây, giá trị bây giờ khoảng 600 triệu đồng. Mình mong việc hợp tác này sẽ kéo dài để 2 bên cùng thắng lợi”- anh A Chen nói.

Theo ông Nguyễn Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, hiện toàn xã có khoảng 80% hộ dân (300 hộ) liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Việc liên kết đã mang lại lợi ích cho đôi bên. Nhờ sự hỗ trợ của Công ty mà bà con có nguồn lực để xây dựng vườn sâm. Và nhờ sự bắt tay này mà rừng được bảo vệ tốt hơn vì bà con ý thức phải giữ rừng mới trồng được sâm.

Ông Trần Hoàn- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là mong muốn giúp nhiều người thoát nghèo, khá giả nhờ sâm. Thực tế là so với trước đây, bây giờ bà con không còn nghèo nữa, thậm chí nhiều người đã là tỷ phú ở vùng sâm Ngọc Linh”.

Còn đối với các loại dược liệu khác, cánh chim đầu đàn là các hợp tác xã (HTX). Tại Tu Mơ Rông, hiện có 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng, thu mua, chế biến dược liệu. Các HTX này đã phát huy hiệu quả khi giúp hội viên có thu nhập cao.

Trụ sở HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng) là căn nhà rộng lớn nằm bên đường, bên trong có giàn phơi, máy sấy. Chị Y Pot (Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Giám đốc HTX) chia sẻ, với mong muốn giúp chị em thoát nghèo bằng cây sâm nên chị đã thành lập HTX chuyên trồng, thu mua và chế biến các sản phẩm từ sâm dây. Hiện HTX có 33 thành viên là phụ nữ.

“Sản phẩm của HTX xuất bán đi nhiều tỉnh thành. Nguồn thu từ sâm dây của chị em xã viên tăng gấp 3 so với thời gian chưa tham gia HTX. Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Họ sẽ hướng dẫn kỹ thuật, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, khi đó chị em sẽ có nguồn thu lớn hơn. Tôi sẽ tiếp tục mời gọi chị em tham gia vào HTX để tăng thu nhập”- chị Y Pot chia sẻ.

Sản phẩm có mặt ở Châu Âu

Trong số các HTX dược liệu ở Tu Mơ Rông, HTX Dược liệu - Du lịch Ngọc Linh H80 dù sinh sau đẻ muộn nhưng nhận sự kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo tỉnh. HTX này thành lập vào tháng 8/2022, hiện đã có 280 thành viên gồm người dân, cán bộ ở nhiều tỉnh thành. Sau 4 tháng hoạt động, HTX đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực hoạt động, trong đó, đã hình thành một số sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm và xuất bán ra thị trường.

Sâm dây được HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên sản xuất bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: P.N

 

“Ngoài ra, HTX đã xây dựng các tour, điểm du lịch và tổ chức hoạt động đón khách tham quan, trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh. Mô hình du dịch trải nghiệm vườn sâm đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Đó là du khách đã mua các sản phẩm dược liệu cho dân, còn ngỏ ý sẽ quay lại tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cũng nhờ hoạt động tổ chức tua này mà cả nước biết nhiều hơn về dược liệu Tu Mơ Rông; còn người dân có thêm kênh để bán sản phẩm dược liệu do chính bản thân người trồng”- ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Điều đặc biệt và tự hào là dược liệu có nguồn gốc từ Tu Mơ Rông giờ đã xuất ngoại, có mặt kể cả thị trường khó tính như Châu Âu. Ông Hà Văn Phương- Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông (tại xã Đăk Na) cho biết: “Trong năm 2022, đơn vị đã bán cho đơn vị liên kết 15,3 tấn gừng, nghệ, chanh rừng, tỏi để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sang Châu Âu. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng để tạo ra số lượng sản phẩm nguyên liệu nhiều hơn nhằm phục vụ cho việc chế biến, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”.

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh vui mừng cho biết: Ngoài HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông xuất bán dược liệu phục vụ xuất khẩu, trong năm 2022, Công ty InnovGreen cũng đã xuất khẩu sang Trung Quốc 1,7 tấn tinh dầu màng tang. Tín hiệu tích cực khác là hiện có một nhà máy chế biến đã được đầu tư, đang hoàn thiện để đưa vào vận hành. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu có giá trị, giúp sản phẩm có nguồn gốc từ Tu Mơ Rông xuất đi khắp các nơi, thậm chí xuất khẩu ra các nước.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng đang rục rịch tính đến việc đưa sản phẩm xuất ngoại. Công ty này hiện đã đưa ra thị trường trong nước hàng loạt sản phẩm như rượu sâm, nước tăng lực, viên nén, trà, tổ yến, dịch chiết, phở sâm, mật ong sâm, đồng thời, mở hàng loạt các đại lý phân phối ở nhiều tỉnh thành.

Ông Trần Hoàn- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: Hiện nay, sâm Ngọc Linh đã qua giai đoạn bảo tồn, cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Công ty luôn ý thức việc sâm Ngọc Linh đặc biệt tốt thì phải vươn ra thế giới. Mục tiêu của Công ty là phải để thế giới biết đến sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Vì thế, chiến lược sắp tới của Công ty là kiểm soát quy trình gieo trồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hoá để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Phúc Nguyên (còn nữa)

Chuyên mục khác