16/01/2021 13:07
Diện tích rừng lớn là một trong những tiềm năng, thế mạnh để tỉnh ta khai thác, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, diện tích rừng, đặc biệt rừng tự nhiên phân bố rộng, địa hình chia cắt phức tạp gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu lâm nghiệp theo Nghị quyết Đại hội hội biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang “phải thường xuyên, liên tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện.
|
Theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm 15.000 ha rừng. Với chỉ tiêu đặt ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Chi cục Kiểm lâm làm việc với UBND các huyện, thành phố và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh thống nhất số liệu kế hoạch triển khai. Theo đó, kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2021- 2025 là 20.031,3 ha (bằng 133,54% so với chỉ tiêu); trong đó, UBND các huyện sẽ hỗ trợ cho dân trồng 13.582,4 ha rừng sản xuất, các chủ rừng tổ chức trồng rừng tập trung và hỗ trợ trồng rừng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP là 2.572,9 ha; doanh nghiệp ngoài quốc doanh trồng 3.876 ha. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và xác định nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ. Trước mắt, năm 2021 trồng mới 3.000 ha rừng từ nguồn ngân sách nhà nước và cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, các đơn vị chủ rừng và các địa phương, đơn vị giao quản lý đất rừng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung rà soát diện tích đất có thể trồng rừng để xây dựng dự án trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động của nhà máy giấy, bột giấy Tân Mai - Kon Tum; nâng cấp nhà máy chế biến gỗ của Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để thúc đẩy thị trường đầu ra của sản phẩm rừng trồng tạo động lực cho việc phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng với diện tích gần 80.000 ha cho 57 cộng đồng và 5.798 hộ dân. Chính công tác giao đất, giao rừng gắn với việc thực hiện các chính sách hưởng lợi đã góp phần giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế, đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa nghề rừng, góp phần giữ rừng cũng như phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, song song với việc trồng rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tập trung tuyên truyền sâu rộng về các chính sách phát triển rừng trong các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, các thôn, làng và hộ gia đình. Ngoài ra, ngành tập trung vận động, khuyến khích người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chuyển đổi từ cây nông nghiệp ngắn ngày (mì) sang trồng rừng; ưu tiên cho người dân tại chỗ tham gia trồng rừng có hưởng lợi và giao khoán đất lâm nghiệp đối với diện tích do các công ty TNHH MTV lâm nghiệp quản lý để nhân dân sản xuất, từ đó, tăng thu nhập, tạo việc làm, nâng cao đời sống. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi canh tác rẫy truyền thống sang trồng rừng phù hợp với quy định của Chính phủ và tình hình thực tế tại tỉnh.
Bên cạnh chú trọng trồng rừng, việc hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng, các hành vi xâm hại rừng cũng là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Bước vào mùa khô 2020-2021, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn chính quyền cấp xã, đơn vị chủ rừng xây dựng và triển khai thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng; kiện toàn lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, hậu cần, kịp thời tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật…; tăng cường kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng, các đơn vị trồng cao su. “Trong thời kỳ cao điểm của mùa khô (cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên), chúng tôi yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo tình hình công tác phòng cháy chữa cháy rừng, diễn biến thời tiết trên địa bàn về Chi cục Kiểm lâm hàng ngày” – ông Tiến cho hay.
Bảo vệ rừng, phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng. Tin rằng với những giải pháp cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng lên, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hoài Tiến