13/03/2023 06:05
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng nhận định, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, tăng trưởng kinh tế thiếu tính bền vững, có xu hướng chậm lại; giảm nghèo chưa bền vững. Kon Tum không là ngoại lệ.
Làm thế nào khai thác tiềm năng, lợi thế để tiếp tục đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững? Trước những yêu cầu đặt ra, ngày 22/02/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 434/KH về thực hiện Chương trình số 50-CTr/TU ngày 09/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, UBND tỉnh xác định xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, quy mô lớn với các mô hình công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ dựa trên lợi thế của từng địa phương.
|
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp như cao su, cà phê vối ở các xã vùng Tây Trường Sơn; cà phê xứ lạnh ở các xã vùng Đông Trường Sơn; cây dược liệu ở các địa phương, nhất là ở huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông; cây ăn quả, cây mắc ca trồng nhiều ở các địa phương; rau hoa ở Măng Đen (huyện Kon Plông). Tính đến nay, toàn tỉnh phát triển 29.254ha cà phê, 77.491,9ha cao su, 2.362,7ha mắc ca, 9.423,2ha cây ăn quả và 6.8692ha dược liệu (1.749,6ha sâm Ngọc Linh và khoảng 5.119,6ha cây dược liệu khác). Trên các vùng chuyên canh cây trồng, nhiều doanh nghiệp và người dân đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trong chăn nuôi, hướng đến việc nuôi bò lai, bò sữa, heo siêu nạc, gà theo hình thức trang trại; các loại thủy sản đặc trưng, có giá trị kinh tế cao như cá niêng, cá lăng, cá hồi, cá tầm.
Việc phát triển kinh tế lâm nghiệp, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, gắn với cải thiện sinh kế và thụ hưởng cho người dân từ rừng theo quy định của pháp luật. Trong phát triển lâm nghiệp, qua quá trình phát triển, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh xây dựng 29 mô hình quản lý rừng cộng đồng với diện tích 6.484,44 ha rừng giao cho các cộng đồng quản lý bảo vệ; độ che phủ rừng toàn tỉnh ước đạt 63,12%. Về hướng phát triển, ngành Lâm nghiệp tỉnh sử dụng công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ đa dạng, giá trị gia tăng cao, tham gia trong chuỗi cung ứng giá trị lâm sản quốc gia.
Về phát triển du lịch, tỉnh xác định phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu đưa Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia, phát triển du lịch Cột mốc ba biên tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia; thu hút đầu tư phát triển các khu, tuyến du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bản sắc văn hoá của địa phương. Thực tế cũng cho thấy, sau dịch Covid-19, du lịch ở tỉnh có sự phát triển mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thu hút được khoảng 621.500 lượt khách (trong đó có khoảng 1.750 lượt khách quốc tế), tăng gần 5 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu ước đạt 206,5 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch và tăng 83,6% so với cùng kỳ.
|
Về công nghiệp, tỉnh ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng hiện đại, tuần hoàn; phát triển ngành cơ khí phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường; đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, đầu tư phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa các dân tộc; có không gian xanh, cảnh quan đặc trưng, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. Trong đó, phát triển đô thị thành phố Kon Tum là trung tâm về kinh tế chính trị; huyện Kon Plông là đô thị trung tâm về du lịch; huyện Ngọc Hồi là đô thị biên giới, phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương, kết nối với quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu sự phát triển, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, xây dựng dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cho hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và liên kết vùng; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ.
Với quyết tâm chính trị cùng với sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân và sự hỗ trợ của Trung ương, kinh tế tỉnh nhà sẽ ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Văn Nhiên