Để người nông dân không còn những vụ mỳ buồn

21/11/2016 15:37

Thời điểm này nông dân Kon Tum đang vào vụ thu hoạch mỳ. Năm nay do giá tinh bột giảm, doanh nghiệp lại gặp khó trong xuất khẩu nên các nhà máy chế biến chỉ thu mua mỳ củ tươi nguyên liệu từ 1.200 đồng đến 1.450 đồng một ký nên người dân đã gần như cầm chắc một mùa vụ thất bại. Liệu có giải pháp nào để người nông dân không còn những vụ mỳ buồn?

Giống như hàng trăm hộ dân khác, nguồn thu chính của gia đình anh Võ Minh Sơn, ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy trông cả vào cây mỳ. Năm ngoái với giá thu mua của nhà máy trung bình 1.700 đồng một kg, với 3ha mỳ gia đình anh thu được trên 250 triệu đồng.

Thế nhưng năm nay nắng hạn kéo dài năng suất mỳ thấp, cộng với giá thu mua rớt thê thảm khiến tổng thu của gia đình chỉ được trên 100 triệu. Đã thế muốn bán được còn phải trả tiền thuê nhân công nhổ mỳ và vận chuyển mỳ đến nhà máy.

“Công nhổ 10 tấn mỳ khoảng 14 công. Mỗi công đàn ông phải trả 150 nghìn một ngày, phụ nữ là 120 nghìn. Tiền thuê xe chở mỳ xuống bán cho nhà máy cự ly gần mất 100 nghìn đồng một tấn, xa thì phải trả 150 nghìn đồng. Sắn rẻ công cán xe cộ ăn hết chứ có đâu. Thu nhập năm nay của nhà mình giảm hẳn” - Anh Võ Minh Sơn cám cảnh.

Thêm một vụ mỳ buồn với người nông dân. Ảnh: KHOA ĐIỀM

 

Niên vụ này, huyện Sa Thầy có trên 7.100ha mỳ. Với giá thu mua của nhà máy từ 1.200 đến 1.450 đồng cho mỗi ký mỳ tươi như hiện nay, theo ông Nguyễn Hữu Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, người trồng mỳ ở địa phương chỉ “lấy công làm lãi”.

Cũng theo ông Thạnh, hàng nghìn hộ dân trồng loại cây này trong huyện chắc chắn đã tránh được tình cảnh rớt giá nếu như trước vụ thu hoạch đồng ý ký kết hợp đồng bán mỳ cho nhà máy chế biến tại địa phương với giá 1.700 đồng một kg. Đáng tiếc cơ hội đã bị người dân bỏ qua.                                                     

Đi sâu tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến người trồng mỳ không mặn mà ký kết hợp tác với doanh nghiệp là do tâm lý sợ bị bán hớ và luôn muốn bán được mỳ với giá cao hơn. Ngoài ra còn là nỗi lo bị “ép” về trữ bột khi cân mỳ cho nhà máy. Đây là những nguyên nhân khiến chưa có gốc mỳ nào trong hơn 50.000ha mỳ của tỉnh được ký kết bao tiêu đầu ra với mức giá đảm bảo cho người trồng có lãi.

Công ty TNHH tinh bột sắn Tây Nguyên- Đăk Hà được đánh giá là có sự đầu tư bài bản với chiến lược kinh doanh lâu dài song ngay cả Công ty này cũng chưa thể khiến người trồng mỳ chấp nhận phương án “lãi vừa phải nhưng ổn định”.

Ông Lê Văn Tình, đại diện Công ty cho biết: Nhà máy cũng muốn bao tiêu cho dân để cả doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất lâu dài. Thế nhưng mỗi khi giá mỳ lên những hợp đồng ký kết trên giấy tờ chưa đủ sức ngăn người dân mang mỳ đi bán cho các nhà máy khác. Có lẽ chỉ khi nào các hộ dân có đủ ý thức tự giác và lòng tự trọng thì nhà máy mới làm được việc này.

Hiện toàn tỉnh có 6 nhà máy chế biến tinh bột mỳ đang hoạt động và hai nhà máy nữa trong quá trình xây dựng. Mong muốn không xảy ra tranh chấp, ổn định vùng nguyên liệu cho nhà máy luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

Điều này thể hiện ở việc các doanh nghiệp hàng năm đều thực hiện hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật động viên người dân sản xuất và bày tỏ mong muốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có hợp đồng nào được ký kết giữa người dân với doanh nghiệp.

Theo ông Nghiêm Đức Thuần - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vina Kon Tum, để làm được điều này phải xây dựng được niềm tin giữa người dân với doanh nghiệp và ngược lại. Ngoài ra doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp chính quyền và chính bản thân người nông dân.

Ông Thuần nói: Có hai trường hợp. Nếu giá mỳ thị trường lên cao người nông dân vẫn phải đưa về nhà máy và giá thấp thì doanh nghiệp buộc phải tiêu thụ cho bà con nông dân. Sự ràng buộc cam kết giữa bà con nông dân và doanh nghiệp là ở chỗ đó. Nhưng địa phương phải có giúp đỡ, có cam kết, bảo lãnh từ cấp huyện, đến cấp xã, thôn và chính bản thân người nông dân cùng kết hợp với doanh nghiệp thì chúng tôi mới làm được điều này.

Được đánh giá là loại cây xóa đói giảm nghèo, phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào DTTS, tỉnh Kon Tum đã đặt mục tiêu phát triển cây mỳ bền vững. Cùng với hơn 50.000ha mỳ hiện có, một diện tích đáng kể đất trồng lúa hay bị khô hạn cũng đang dần được chuyển đổi sang trồng loại cây này.

Thế nhưng nếu giữa người nông dân và doanh nghiệp vẫn không có sự hợp tác liên kết khăng khít hơn thì việc phát triển cây mỳ bền vững xem ra còn là mục tiêu rất xa. Nếu quyết tâm gắn bó với cây mỳ, có lẽ cũng đã đến lúc người nông dân trồng loại cây này phải đưa ra quyết định lựa chọn ký kết với nhà máy để hưởng “lãi vừa phải nhưng ổn định” hoặc là vẫn tự do tiêu thụ để rồi luẩn quẩn với chuyện được mùa rớt giá, thậm chí là mất mùa, rớt giá như hiện nay.

Khoa Điềm 

Chuyên mục khác