Để người dân thuận lợi tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách

06/07/2023 13:13

Tín dụng chính sách có vai trò quan trọng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Xung quanh việc triển khai thực hiện nguồn vốn này, ông Nguyễn Văn Chung – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã có những chia sẻ để người dân hiểu rõ chủ trương và không gặp trở ngại trong quá trình vay vốn.

PV: Thưa ông, hiện tại, Chi nhánh NHCSXH đang triển khai những chương trình cho vay ưu đãi nào dành cho người dân? Các vốn vay này đã phát huy vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Chung: Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, khó khăn có điều kiện vươn lên, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Tính đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum đạt 4.082 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung vào cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách trọng tâm, chẳng hạn như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay nhà ở xã hội, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...

Nhiều người dân đã được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: T.H

 

Hiện tại, tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, phát huy vai trò là một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 86.416 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt 3.744 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp hơn 15.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ tạo việc làm cho 14.764 lao động, xây dựng 39.815 công trình nước sạch nông thôn, 1.076 căn nhà ở xã hội…

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

PV: Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn gặp phải những khó khăn khi tiếp cận một số nguồn vốn vay, vậy theo ông nguyên nhân là do đâu?

Ông Nguyễn Văn Chung: Từ năm 2020 đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum được giao số vốn 966,5 tỷ đồng, tập trung vào cho vay các chương trình như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, nhà ở xã hội, cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Về cơ bản nguồn vốn đã đáp ứng cho các đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo từng chương trình tín dụng chính sách. Phương thức quản lý vốn được thực hiện thông qua việc ký kết ủy thác cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên.

Thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện và đồng hành cùng người dân trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Ảnh: TH

 

Để người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, Chi nhánh NHCSXH tỉnh thường xuyên hướng dẫn quy trình nghiệp vụ cho vay, thu nợ đến hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, Tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức bình xét cho vay, giải ngân tại điểm giao dịch xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại của hộ vay...

Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (theo Nghị định số 61/NĐ-CP, ngày 9/7/2015 của Chính phủ) chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu vay vốn để tạo việc làm của nhân dân trên toàn tỉnh. Nguyên nhân, do nguồn vốn được Trung ương giao hằng năm ít và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh để cho vay tuy đã được quan tâm, nhưng cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay của nhân dân. Vì vậy, người dân có nhu cầu vay vốn từ nguồn này vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.

PV: Để tiếp tục phát huy vai trò là đòn bẩy trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, thời gian đến, Chi nhánh NHCSXH tỉnh có những giải pháp nào để người dân tiếp cận thuận lợi với vốn vay ưu đãi?

Ông Nguyễn Văn Chung: Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của các cấp, ngành; tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay, đảm bảo người dân được tiếp cận tốt nhất với các nguồn vốn vay ưu đãi. Đề xuất các phương án, cơ chế để lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tín dụng chính sách xã hội phù hợp tình hình thực tế; triển khai hiệu quả những chương trình tín dụng chính sách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng chính sách; công khai các chương trình, thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã để nhân dân nắm bắt và tiếp cận nguồn vốn vay. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của điểm giao dịch tại xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Hương (thực hiện)

Chuyên mục khác