28/05/2022 06:03
|
Những năm gần đây, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo các chủ thể tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm.
Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 148 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao (trong đó có 1 sản phẩm 5 sao; 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 14 sản phẩm 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao).
Việc các sản phẩm được công nhận OCOP tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững- báo cáo của UBND tỉnh nhấn mạnh.
Ông Đặng Thanh Long- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đánh giá: Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng, phát triển nông thôn mới hiệu quả và bền vững.
Có thể thấy, việc triển khai tốt Chương trình OCOP sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề ở nông thôn hiện nay như: Hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã, tổ hợp tác; tạo việc làm, thu nhập thông qua sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế; đào tạo, huấn luyện nhân lực tham gia OCOP; bảo vệ môi trường; đảm bảo an sinh xã hội.
Trong Chương trình này, Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành các kênh phân phối sản phẩm.
Người dân đóng vai trò chính trong “sân chơi” này, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chính vì thế, trong quá trình triển khai, tinh thần “dám làm” sản phẩm OCOP của người dân có vai trò rất quan trọng. Bởi thực tế cho thấy, chỉ khi người dân tham gia OCOP với niềm tin mình có thể phát triển, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm lợi thế của mình; triển khai bằng nguồn lực sẵn có của mình thì mới thành công.
Để làm điều này, trước hết, cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông nhận thức cho cán bộ, người dân và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của OCOP, từ đó thúc đẩy phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế.
Kiến tạo môi trường sáng tạo cho người dân, khởi đầu từ việc người dân đề xuất ý tưởng sản phẩm, triển khai sản xuất, kinh doanh sản phẩm của mình bằng vốn chủ trước, có đánh giá và phân hạng sản phẩm, từ đó xác định được các điểm còn yếu của sản phẩm để cải tiến và tiếp tục dự cuộc thi đánh giá và phân hạng tiếp theo.
Để người dân tự tin hơn, ngành chức năng nên tổ chức tập huấn cho người dân về kiến thức, kỹ năng của sản xuất, kết nối các nguồn lực. Hỗ trợ trong khâu tìm ý tưởng sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực… Nghĩa là, chính quyền cần đồng hành cùng người dân ngay từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm.
Câu chuyện thực tế từ sản phẩm OCOP cải khô muối ống lồ ô của Hợp tác xã Y Tuân ở thôn Nông Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi là một ví dụ. Bắt nguồn từ món ăn truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng, chị Y Tuân và các xã viên đã dày công nghiên cứu, chế biến thành một món ăn “quen mà lạ” được nhiều người biết đến.
Và được sự trợ giúp, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, hợp tác xã đã mạnh dạn phát triển món ăn độc đáo ấy thành sản phẩm OCOP. Chính tinh thần “dám làm” và sự kiên trì theo đuổi ý tưởng của các xã viên mà món ăn truyền thống có từ bao đời của người Giẻ Triêng đã đạt sản phảm OCOP 3 sao vào tháng 1/2020.
Một trong những nội dung cần lưu ý là không chọn sản phẩm đã có sẵn, cho đăng ký, đem đi tham gia đánh giá, chấm điểm và xếp hạng. Trong quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm, người dân cần tự xác định và đề xuất ý tưởng sản phẩm. Một khi đã đề xuất, người dân sẽ tự giác theo đuổi ý tưởng của mình và dành nguồn lực để hiện thực nó. Nhà nước chỉ hỗ trợ sau khi người dân đề xuất.
Các sản phẩm được gợi ý, dù có thể được đánh giá là hay, có tiềm năng bởi các “cán bộ” nhưng người dân không đề xuất thì không nên đưa vào phạm vi triển khai của Chương trình.
Bên cạnh đó, nên cho các chủ thể OCOP tham gia các buổi đánh giá của Hội đồng cấp huyện. Điều này tạo điều kiện cho các chủ thể giải trình các điểm chưa rõ; mặt khác giúp các chủ thể hiểu rõ các điểm yếu của mình, từ đó cải tiến sản phẩm.
|
Theo một chủ thể có sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, chính quyền cần tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển. “Các chủ thể tham gia OCOP từ 3 sao trở lên bước đầu tiếp cận thị trường cũng là ở chu kỳ lỗ nên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức mới. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ về vốn để đầu tư thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu; mở rộng thị trường”- chủ thể này kiến nghị.
Theo tôi, đây cũng là để khích lệ, động viên các chủ thể mới tích cực, nhiệt huyết hơn với việc phát triển sản phẩm OCOP của mình.
Hồng Lam