06/04/2025 06:01
Cũng trong bài viết, Tổng Bí thư lưu ý cần có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế và bối cảnh địa kinh tế, địa chính trị mới của đất nước. Đồng thời xóa bỏ mọi nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ, định kiến về kinh tế tư nhân.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa to lớn trong định hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Những định hướng này nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Trước đó, ngày 6/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân để trình Bộ Chính trị, nhằm định hướng và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân.
|
Có thể khẳng định, trong gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở tỉnh ta, khu vực kinh tế tư nhân, gồm doanh nghiệp tư nhân (chiếm chủ yếu trong số hơn 4.300 doanh nghiệp của tỉnh), và hàng nghìn hộ kinh doanh cũng có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trải qua nhiều khó khăn, ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát, kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp tư nhân vẫn thể hiện sự dẻo dai và khả năng thích nghi cao. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh mẽ, tích lũy đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản trị, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để phát huy tối đa tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản thể chế, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
UBND tỉnh đã tổ chức các hội nghị đối thoại doanh nghiệp, duy trì chương trình cà phê doanh nghiệp- doanh nhân, nhằm nắm bắt tình hình hoạt động, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương đến với doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
|
Tháng 5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1274/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Kế hoạch xác định tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân; coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; đến năm 2030 có 6.550 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Hình thành và phát triển nhiều doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP để đến năm 2025 đạt khoảng 48,2%; đến năm 2030 khoảng 62%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm giai đoạn 2021-2025 và ổn định đến năm 2030.
Thực hiện Kế hoạch số 1274/KH-UBND, trong thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.
Tiếp tục hỗ trợ, mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất.
Tất nhiên, trong hành trình vươn lên, kinh tế tư nhân của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ rào cản thể chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi đến hạn chế trong tiếp cận vốn và công nghệ. Đa số doanh nghiệp tư nhân của tỉnh là nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh thấp.
Bên cạnh đó, cũng có những phàn nàn về thủ tục hành chính còn phức tạp, chi phí không chính thức cao và khả năng tiếp cận tín dụng còn hạn chế; chưa được hỗ trợ kịp thời khi có khó khăn, vướng mắc, hoặc chậm chạp trong hỗ trợ tháo gỡ.
Đơn cử, đôi khi, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh đi làm thủ tục hành chính, về đất đai, thuế, đăng ký kinh doanh có điều kiện, phải đi lại nhiều lần để bổ sung, chỉnh sửa theo yêu cầu, tốn thời gian, công sức và chi phí.
Hay một số vấn đề bất cập từ chính sách mà doanh nghiệp tư nhân đã phản ánh lên chính quyền hoặc cơ quan chức năng nhưng chưa được hỗ trợ tháo gỡ một cách linh hoạt, để quá lâu, dẫn đến mất cơ hội kinh doanh.
Tất nhiên, không thể giải quyết những tồn tại, bất cập trong một sớm một chiều. Nhưng với tinh thần “phát triển kinh tế tư nhân- đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, những “điểm nghẽn”, những vướng mắc, khó khăn cản trở sự bứt phá của kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục được rà soát, xử lý kịp thời, hiệu quả, để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng nhất.
Tất nhiên, kinh tế tư nhân cũng cần có tâm thế dám và sẵn sàng “ra biển lớn”. Đồng nghĩa với việc cần trang bị năng lực đổi mới sáng tạo bằng cách đầu tư mạnh cho ứng dụng công nghệ, tạo ra sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng cao, để bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới.
Thành Hưng