Để hàng Tết an toàn đến tay người tiêu dùng

27/12/2021 06:07

Hiện nay, các cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở kinh doanh trong tỉnh đang tập trung hàng hóa chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Cùng với những hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn thì đây cũng là thời điểm mà không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh lợi dụng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao của người dân để tích trữ, trà trộn, tuồn hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhái đến tay người tiêu dùng.

Thực tế là dịp trước Tết Nguyên đán các năm trước, các ngành chức năng tỉnh ta đã tiến hành kiểm tra và tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhãn mác, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng nhập lậu, hàng giả…Thậm chí còn có tình trạng đưa các loại hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng về các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh tiêu thụ. Không chỉ hàng tồn kho, hàng giả, hàng kém, hàng loạt các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng được tuồn ra thị trường Tết.

Dịp Tết Nguyên đán các năm trước, ngành chức năng tỉnh ta liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển gà, xương dê, lòng lợn… không rõ nguồn gốc trên đèo Lò Xo (Đăk Glei). Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành chức năng đã bắt giữ 112 chai rượu sử dụng logo, nhãn mác có dấu hiệu vi phạm bản quyền thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.

Loại củ giả sâm Ngọc Linh được lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: H.N

 

Dịp Tết là lúc nhu cầu tiêu dùng tăng cao, buôn bán đắt đỏ, nên rất nhiều người vì lòng tham lợi nhuận mà coi rẻ sinh mạng của người tiêu dùng… dẫn đến việc nhiều người làm ăn gian dối sẽ trà trộn, đưa những hàng hóa không đảm bảo đi tiêu thụ. Số hàng hóa này nếu không được kiểm soát kịp thời, người tiêu dùng cũng không thể phân biệt được độ thật, giả của các loại hàng mà bỏ một số tiền lớn để mua về sử dụng thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Tuy nhiên, điều đáng lo lắng hơn nữa là số vụ, số hàng giả, hàng quá hạn, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm… được ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vào trước các dịp Tết Nguyên đán chỉ mới chiếm một phần trong tổng số các loại hàng hóa được bán trên thị trường. Vẫn còn những hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được các cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ vì lợi nhuận đã đưa ra tiêu thụ trong dịp thị trường hàng hóa sôi động nhất năm này.

Không ít cơ sở kinh doanh, cửa hàng tìm cách để lẫn hàng có nguồn gốc, xuất xứ, còn hạn sử dụng với những hàng hết hạn sử dụng, các hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng để khách hàng vì bận rộn mua hàng nên chủ quan, lơ là không kiểm soát kỹ, hoặc tìm cách đưa về vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống bà con còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, ít phân biệt được độ thật giả của các loại hàng hóa.

Thực tế đó vẫn diễn ra không chỉ làm thất thu ngân sách, suy yếu kinh tế, mà đáng lo hơn là khi những hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được đưa vào sử dụng, đặc biệt là hàng thực phẩm như bánh kẹo, sữa… rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để mỗi người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm nay mua và được sử dụng các loại hàng hóa nói chung, đặc biệt là các loại lương thực, thực phẩm, các loại đồ uống, các nhu yếu phẩm cần thiết… đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng đòi hỏi các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát. Cùng với việc kiểm tra thường xuyên, cần có các đợt kiểm tra cao điểm, đột xuất nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để vừa có tính răn đe, vừa có tính ngăn chặn. Cùng với đó, các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa có thêm kiến thức, thông tin trong việc mua sắm các loại hàng hóa.

Với việc tăng cường kiểm tra và mỗi người dân biết cách chọn lựa, phân biệt sẽ không chỉ góp phần không để hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có “đất sống” mà còn trực tiếp bảo vệ sức khỏe của chính mỗi người và mỗi gia đình.

Hà Nam

Chuyên mục khác