Để doanh nghiệp phát triển thời hậu Covid-19

26/07/2022 06:01

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế- xã hội của tỉnh, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến chủng và sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư trong năm 2021 đã tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các mặt của đời sống kinh tế, xã hội nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Doanh nghiệp ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh có 208 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, nâng tổng số DN hiện nay trên địa bàn tỉnh lên 3.845 DN. Trong 2 năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng đến hoạt động của các DN trên địa bàn.

Ở tỉnh ta, mặc dù việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 của tỉnh đã giúp giảm nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của DN, thế nhưng, tỷ lệ DN báo lỗ vẫn ở mức khá cao với 26%, trong đó 20% DN cho biết lỗ chút ít và 6% DN thua lỗ lớn.

Theo kết quả khảo sát của VCCI Chi nhánh Đà Nẵng năm 2021, trong tổng số DN tham gia trả lời khảo sát bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, có tới 55% DN bị ảnh hưởng một phần dịch bệnh, 32% bị ảnh hưởng nghiêm trọng và 8% bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Cũng thời gian này, có đến 226 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và thông báo giải thể trong năm 2021, tăng 35% so với năm 2020 (168 DN); trong đó, có tới 137 DN rút khỏi thị trường (tạm ngừng hoạt động) chiếm 60,6%, tức là DN chưa rời thị trường mà tiếp tục chờ đợi thời điểm thích hợp để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Theo các DN, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của DN và chủ yếu tập trung vào các khó khăn, vướng mắc như dòng tiền vào bị thiếu hụt dẫn đến gặp khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng cầu giảm mạnh khiến các doanh thu của DN bị sụt giảm. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất và khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Doanh nghiệp Kon Tum nỗ lực đứng vững trên thị trường. Ảnh: V.P

 

Gỡ khó để DN phát triển

Trước khó khăn của các DN trên địa bàn tỉnh do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch để hỗ trợ giúp DN phát triển. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 462/KH-UBND ngày 18/2/2022 triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, tỉnh ta đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 giúp các doanh nghiệp phục hồi phát triển sau đại dịch.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để hỗ trợ cho các DN. Trong đó, tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương như: Giảm tiền điện, giảm cước viễn thông, giảm giá nước sinh hoạt, lùi thời điểm đóng phí công đoàn, giảm mức đóng bảo hiểm; hỗ trợ giảm dòng tiền ra của các DN thông qua việc gia hạn nộp các loại thuế VAT, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN, thuế trước bạ cho ô tô; giảm trừ các chi phí xác định thu nhập chịu thuế, điều chỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí; cho vay ưu đãi trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Tính đến tháng 7/2022, tỉnh ta đã hỗ trợ cho 919 DN với 16.048 lao động; trong đó giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 15.977 lao động với số tiền 4.975,0 triệu đồng tại 912 DN. Ngành thuế Kon Tum đã gia hạn thuế và tiền thuê đất cho 981 trường hợp với số tiền là 85.365 triệu đồng. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi cho 138 DN với tổng giá trị gần 700 tỷ đồng; đồng thời, đến ngày 30/4/2022, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 12.984 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã chủ động cân đối khả năng tài chính, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện để DN trên địa bàn tỉnh phục hồi và phát triển.

Ông Ngô Việt Thành- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thời gian tới, Sở tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, hỗ trợ DN để đảm bảo lưu thông hàng hóa, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn, phục hồi sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN, tập trung các chính sách về thuế, phí, tín dụng; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách, các hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường công tác thu hút đầu tư; thường xuyên bám sát, hỗ trợ DN, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển.

Hy vọng với những biện pháp, giải pháp tích cực của tỉnh sẽ góp phần hỗ trợ cho các DN trên địa bàn nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Văn Phương

Chuyên mục khác