Để đất đai chuyển từ “tài nguyên” thành “nguồn lực”

24/04/2024 06:02

Trong những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, từ đó từng bước chuyển đất đai từ tài nguyên thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tổ chức thực hiện tốt. Đặc biệt, tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1756/QĐ-TTg). Đây là cơ sở để hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phục vụ phát triển bền vững.

Trên cơ sở quy hoạch, nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, như các dự án thủy điện, khu công nghiệp, khu đô thị, các dự án phát triển hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Công tác xây dựng bảng giá đất 5 năm, giá đất cụ thể  được chủ động triển khai kịp thời, phục vụ tốt yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất.

Công tác phát triển quỹ đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất bước đầu đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, hộ gia đình, tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy CNQSD đất hộ gia đình, cá nhân bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh.

Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh: T.H

 

Chỉ tính riêng năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 25 hồ sơ thuê đất trả tiền hàng năm (98,5ha); 15 hồ sơ giao đất không thu tiền sử dụng đất (55,56ha); cấp 380.327giấy CNQSD đất hộ gia đình, cá nhân với  tổng diện tích hơn 829.957ha.

Quỹ đất phi nông nghiệp được khai thác khá hợp lý và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, chỉnh trang và xây dựng mới các khu dân cư đô thị và nông thôn đã góp phần phát triển kinh tế và tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Với quỹ đất nông nghiệp, khuyến khích hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn.

Cải cách thủ tục hành chính về đất đai được tăng cường; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng đất thực hiện các giao dịch có liên quan; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến đất đai từng bước được cải thiện.

Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy CNQSD đất hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo kiên quyết xử lý các dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, tiến độ sử dụng đất chậm so với tiến độ trong dự án đầu tư hoặc có dấu hiệu vi phạm .

Tuân thủ nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích các bên khi khai thác nguồn lực đất đai. Ảnh: TH

 

Vì vậy, ngoài một số dự án có vi phạm đã bị thu hồi đất trong các năm qua, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành kiểm tra loạt dự án có dấu hiệu không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn huyện Kon Plông và thành phố Kon Tum.

Đối với tranh chấp, khiếu kiện đất đai, tăng cường giải quyết theo nguyên tắc hài hòa lợi ích các bên, gồm cả Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tính toán một cách căn cơ lợi ích của người dân, đảm bảo giải quyết tốt vấn đề an sinh, người có đất bị thu hồi có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất.

Để chuyển đất đai từ tài nguyên thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế điều tiết nguồn lực từ đất đai cũng như điều kiện, chế tài để đảm bảo thực hiện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng Nhà nước bỏ rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng nhưng không thu được gì từ giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư hạ tầng mang lại.

Cùng với đó là hoàn thiện, đổi mới toàn diện chính sách về kinh tế, tài chính đất đai theo các nguyên tắc thị trường; cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất để các quan hệ đất đai vận hành theo các nguyên tắc, quy luật của thị trường, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, quan điểm rất rõ ràng là phải công khai, minh bạch, mở rộng quyền tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế, đảm bảo tài nguyên đất đai được giao cho các chủ thể có năng lực để sử dụng hiệu quả gắn với giải quyết hợp lý việc làm, nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.

Để làm được điều này, trước hết cần phải đầu tư nguồn lực để hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng mở; tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy CNQSD đất, cho thuê đất đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh.

Xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực từ quỹ đất.

Thu hút các doanh nghiệp có năng lực, tâm huyết trong và ngoài nước đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, tạo sức lan tỏa ở các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. 

Thành Hưng

Chuyên mục khác