22/08/2020 13:07
Theo đánh giá của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, việc thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tính đến nay, toàn tỉnh có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các tiêu chí đạt chuẩn, về cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết số 60 đề ra, trừ một số tiêu chí có tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp như tiêu chí 9 về nhà ở dân cư (44%), tiêu chí 10 về thu nhập (31%), tiêu chí 11 về hộ nghèo (34%), tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất (51%), tiêu chí 14 về giáo dục và đào tạo (65%), tiêu chí 15 về y tế (82%), tiêu chí 18 về hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật (56%)).
Đáng chú ý, tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện đề án giai đoạn 2016-2020 đạt thấp so với kế hoạch (2.383.364 triệu đồng/4.260.550 triệu đồng, chiếm 56%). Tuy nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong giai đoạn này khá nhiều, nhưng chưa huy động hiệu quả các nguồn lực trong nhân dân và các nguồn lực khác như vốn huy động nhân dân đóng góp 90.265 triệu đồng (đạt 26,6% kế hoạch), vốn doanh nghiệp 49.114 triệu đồng (đạt 11,2% kế hoạch), vốn tín dụng 179.053 triệu đồng (đạt 22,9% kế hoạch)…
|
Nhìn chung, hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng, sửa chữa, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Nhờ vậy, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân cơ bản được nâng lên; phát triển sản xuất không ngừng được đổi mới, người dân được tiếp cận với các phương thức sản xuất mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; an ninh, trật tự được giữ vững.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực qua các năm, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vẫn còn thấp. Tính đến tháng 8/2020, mục tiêu theo Nghị quyết 60 HĐND tỉnh đề ra chưa đạt như số tiêu chí có tỷ lệ xã đạt chuẩn chỉ đạt 7/19 tiêu chí, thu nhập của người dân tại một số vùng còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, môi trường nông thôn ít được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện...
Điều đáng nói là, các địa phương thường chú trọng nhiều hơn vào các tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội như đầu tư hạ tầng giao thông, trường học… mà ít quan tâm đến những giải pháp, phát huy nội lực để phấn đấu đạt và giữ vững các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa-xã hội-môi trường. Chẳng hạn như tiêu chí số 10 về thu nhập (chỉ có 27/85 xã đạt chuẩn); tiêu chí số 11 về hộ nghèo (29/85 xã đạt chuẩn); tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất (44/85 xã đạt chuẩn); tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm (46/85 xã đạt chuẩn).
Một vấn đề đáng quan tâm là, nguồn lực xây dựng nông thôn mới phần lớn là nguồn vốn ngân sách nhà nước, việc huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, người dân còn khó khăn, hạn chế. Thêm vào đó, một số bộ phận hộ nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu chủ động trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới các huyện, thành phố bố trí cho các xã chưa hợp lý, chưa đảm bảo theo quy định, dẫn đến các xã thiếu nguồn lực đầu tư và duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn.
Trong hoạt động sản xuất, việc triển khai thực hiện các mô hình và nhân rộng mô hình sản xuất chưa thực sự hiệu quả. Việc áp dụng quy định về xây dựng các công trình vệ sinh môi trường chưa phù hợp với điều kiện thực tế và khó thực hiện. Trong quá trình thực hiện, một số xã đề nghị xem lại thiết kế mẫu các công trình nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh chưa phù hợp với một số địa phương (2 xã Sa Bình, Sa Sơn, huyện Sa Thầy) vì đa phần các hộ dân, nhất là hộ nghèo không đủ kinh phí để đáp ứng 30% kinh phí còn lại trong việc đầu tư theo thiết kế mẫu...
Để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các tiêu chí; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; quan tâm đến các tiêu chí có tỷ lệ xã đạt chuẩn còn thấp, chưa bền vững. Chỉ đạo các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, tận dụng những ưu thế hiện có của địa phương để triển khai thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Các sở, ban, ngành phối hợp với các địa phương đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của người dân; phát huy hiệu quả các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương. Các địa phương phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phù hợp, có hiệu quả và đảm bảo tính khách quan giữa các xã. Các sở, ban, ngành có liên quan cần chủ động nghiên cứu, bám sát hướng dẫn của Trung ương trong việc xây dựng Kế hoạch, Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đồng thời rà soát những bất cập trong quá trình thực hiện để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thảo Nguyên