Đề cao trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm

10/06/2018 13:38

Trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp và kinh doanh thực phẩm, việc lạm dụng các chất cấm để bảo vệ cây trồng, bảo quản thực phẩm thường gây mất an toàn cho người sử dụng, gây nên những hậu quả khó lường. Việc đề cao trách nhiệm của người sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp và kinh doanh an toàn thực phẩm là vấn đề đang được coi trọng.

Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay là "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm". Việc đưa ra chủ đề này nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thực hiện chủ trương của Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh và tháng vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và thanh kiểm tra cơ sở kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp.

Sản xuất rau an toàn được trồng trong nhà lưới ở huyện Ngọc Hồi. Ảnh: V.N

 

Theo ông Huỳnh Văn Liêm- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, Chi cục lấy 36 mẫu (trong đó 20 mẫu rau, 6 mẫu giò chả, 3 mẫu thủy sản, 6 mẫu thịt lợn, 1 mẫu thịt gà) tại huyện Ngọc Hồi và huyện Kon Plông. Kết quả có 3 mẫu rau nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nhóm lân hữu cơ và Carbamate.

Tại cuộc thanh tra, kiểm tra 37 cơ sở sản xuất kinh doanh nông thủy sản (14 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm từ thực vật, 4 cơ sở thu gom các mặt hàng nông sản, 17 cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ thịt, 2 cơ sở kinh doanh thủy sản), Đoàn kiểm tra Chi cục đã tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở quy định về điều kiện an toàn thực phẩm và việc chấp hành các quy định sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Chi cục phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương tiến hành kiểm tra 3 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng (huyện Đăk Hà), Công ty TNHH Thái Hòa (thành phố Kon Tum) và Nhà hàng San Hô (thành phố Kon Tum). Kết quả  kiểm tra cho thấy, 3 cơ sở này đáp ứng các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như chưa bảo đảm việc ghi chép theo dõi sản xuất.

Theo đánh giá, nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ngày càng nâng cao. Phần lớn các cơ sở chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh.

Vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm là bên cạnh việc kiểm tra có tính định kỳ, cần có những cuộc thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm để có thể phát hiện và kịp thời ngăn chặn các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây hại cho người tiêu dùng.  

 Thực hiện tốt các cuộc thanh tra, kiểm tra là một trong những phương thức để người sản xuất, các cơ sở sản xuất đề cao hơn nữa trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh an toàn thực phẩm.

Văn Nhiên

 

Chuyên mục khác