Đẩy nhanh tiến độ trồng chuối tiêu hồng tại thôn Plei Sa

29/11/2020 06:45

Thành phố Kon Tum đang xây dựng mô hình điểm trồng chuối tiêu hồng trên diện tích hơn 20ha tại thôn Plei Sa, xã Ia Chim. Đây là mô hình được thành phố thí điểm để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với thực hiện cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tại thôn Plei Sa, xã Ia Chim, UBND thành phố Kon Tum đã tiến hành quy hoạch, giao đất sản xuất cho người dân có đủ điều kiện sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân tại thôn vẫn sản xuất theo hình thức tự phát, không đồng bộ với các loại cây truyền thống như cây mì, cây lúa rẫy nên hiệu quả kinh tế không cao.

Chị Y Yit, thôn Plei Sa cho biết: “Tôi đang trồng hơn 1 sào mì tại vùng đất được xã giao. Đã gần một năm rồi nhưng mì không tốt lắm, nhiều cây bị chết, bây giờ thu hoạch mì cũng ít củ. Thấy xã, thôn vận động chuyển sang trồng chuối, tôi đăng ký tham gia với mong muốn có thêm thu nhập”.

Việc chuyển hướng sang trồng cây chuối tiêu hồng được hình thành sau khi UBND thành phố Kon Tum và HTX Bắc Tây Nguyên Farm, tại huyện Đăk Hà có buổi làm việc và ký kết phối hợp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Bà con thôn Plei Sa đào hố để chuẩn bị xuống giống chuối. Ảnh: P.N

 

Nhận thấy tiềm năng của địa phương, UBND xã Ia chim đã chủ động phối hợp, kết nối với HTX Bắc Tây Nguyên Farm, mời đơn vị về địa phương tiến hành khảo sát vị trí đất hơn 20ha tại thôn Plei Sa, xã Ia Chim và được phía HTX đánh giá rất cao về tính khả thi để xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: “UBND xã, ban nhân dân thôn đã nhiều lần tổ chức họp, tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng truyền thống sang mô hình trồng chuối tiêu hồng. Theo đó, UBND xã đã cho bà con trực tiếp đến tham quan mô hình trồng chuối tiêu hồng của HTX Bắc Tây Nguyên Farm tại huyện Đăk Hà để học hỏi kinh nghiệm, phương pháp trồng chuối hiệu quả. Từ đó, bà con đồng thuận rất cao với chủ trương trồng chuối tiêu hồng.”

Hiện nay, thôn Plei Sa đã hình thành Tổ hợp tác trồng cây ăn trái Plei Sa với 96 hộ dân tham gia trồng chuối tiêu hồng. Khi tham gia mô hình trồng chuối bà con được hỗ trợ vay mỗi hộ 10 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đầu tư chi phí sản xuất ban đầu như đào hố, mua cây giống. Đối với cây giống cũng được HTX Bắc Tây Nguyên Farm cung ứng đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng; quá trình chăm sóc cây được HTX hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, cách tưới nước, bón phân phù hợp vào tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây chuối. Quan trọng hơn hết, HTX Bắc Tây Nguyên Farm ký kết thu mua toàn bộ sản phẩm chuối của bà con tham gia mô hình.

Hiện nay, bà con đang thực hiện khâu làm đất canh tác, đào hố để trồng chuối, chuẩn bị xuống giống.

Ông A Khoan - Thôn trưởng thôn Plei Sa chia sẻ: “Nhiều hộ dân trong thôn lo lắng là làm sao để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ tưới liên tục trên cánh đồng lớn. Bà con mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ đầu tư hệ thống nước, khoan giếng để tưới tiêu cho mô hình này, nhất là chuối giống bằng cây cấy mô thì ban đầu rất cần nước tưới”.

Để giải quyết bài toán về tưới tiêu cũng như hỗ trợ mô hình trồng chuối tiêu hồng tại thôn Plei Sa, xã Ia Chim hoạt động có hiệu quả, UBND thành phố bố trí nguồn vốn khoảng 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ địa phương đầu tư hệ thống điện, hỗ trợ 4 giếng khoan, máy bơm và hệ thống đường ống chính có công suất đủ lớn để đảm bảo nước tưới trên toàn bộ diện tích. Bên cạnh việc giải quyết nguồn nước tưới ban đầu trên diện tích trồng chuối, còn hướng đến mục tiêu lâu dài đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con thôn Plei Sa trong mùa khô.

Trực tiếp khảo sát thực địa tại diện tích đất trồng chuối tiêu hồng tại thôn Plei Sa, xã Ia Chim, ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chỉ đạo xã phối hợp với đơn vị thi công nhanh chóng tiến hành thi công khoan giếng, đầu nối hệ thống nước, làm việc với điện lực để kéo hệ thống điện vào khu vực sản xuất; hoàn thành các khâu chuẩn bị trong tháng 11 để bà con xuống giống và bắt đầu thực hiện mô hình trong tháng 12/2020. Đồng thời, đề nghị UBND xã Ia Chim, Tổ hợp tác trồng cây ăn trái Plei Sa thành lập tổ để quản lý thiết bị bơm, hệ thống điện nước, vận hành và điều tiết tưới tiêu hợp lý khi đơn vị thi công hoàn thành tiến độ và bàn giao các công trình đưa vào hoạt động.

Phan Nghĩa

Chuyên mục khác