Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

14/08/2021 06:06

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác giải ngân vốn đầu tư vẫn chưa đạt được so với yêu cầu đề ra. Do đó, trong những tháng còn lại của năm 2021, tỉnh ta đề ra nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt hơn trong công tác đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, góp phần hoàn thành mục tiêu kép như kế hoạch đề ra.

Năm 2021, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được Trung ương giao cho tỉnh ta là hơn 2.231 tỷ đồng. Trên cơ sở mức vốn được Trung ương giao và khả năng huy động vốn của địa phương, tỉnh ta đã thực hiện phân bổ tổng mức vốn hơn 2.889 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng kế hoạch đầu tư công được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2020 sang năm 2021 với tổng mức vốn là 727 tỷ đồng. Một số dự án có kế hoạch vốn lớn như: Dự án Đường và cầu từ Tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 14; Đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24; Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum do BQL dự án 98 làm chủ đầu tư; dự án Hồ chứa nước Đăk PoKei do BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt 33,24% so với nguồn vốn thực giao; so với kế hoạch địa phương giao thì đã giải ngân hơn 929,4 tỷ đồng, bằng 28,33%. Nhìn chung, các địa phương, chủ đầu tư đã chủ động, tích cực trong công tác triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 kịp thời. Công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh so với cả nước cũng đạt khá, tuy nhiên so với kế hoạch, mục tiêu tỉnh ta đề ra vẫn còn chậm. Một số dự án có tỷ lệ giải ngân còn thấp là Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum; dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào DTTS dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum (tuyến bờ Bắc - đoạn từ làng Kon Hra Chót đi làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Klor 1 và Kon Tum Kơ Pơng); dự án Hồ chứa nước Đăk Po Kei...

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: V.P

 

Nguyên nhân do các quy định về đầu tư xây dựng như luật, nghị định đã được ban hành, nhưng thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương ban hành chưa kịp thời, khiến nhiều chủ đầu tư lúng túng, bị động trong công tác chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc chưa tạo được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng công tác giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của các dự án. Hơn nữa, giá xăng, dầu và giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, đặc biệt giá thép tăng đột ngột làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện của các dự án…Nhiều nhà thầu còn có tư tưởng chần chừ để chờ giá vật liệu hạ mới tập trung thi công nên dẫn đến khối lượng hoàn thành không cao và điều đó dĩ nhiên sẽ không có khối lượng để giải ngân.

Theo ông Phan Văn Tùng- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan còn do chất lượng hồ sơ một số dự án chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án, trong quá trình triển khai vẫn còn điều chỉnh, bổ sung nhiều lần... làm chậm tiến độ. Một số chủ đầu tư chậm trễ trong công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, chậm trễ trong công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành; chưa sâu sát trong công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát; chưa đề xuất được các giải pháp căn cơ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân...

Mới đây, ngày 4/8, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2021, trong đó, UBND tỉnh đề ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, đơn vị, chủ đầu tư trong công tác quản lý, thúc đẩy tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến ngày 30/9 giải ngân đạt 70% nguồn kế hoạch vốn được giao và đến ngày 30/1/2022 giải ngân đạt 100% kế hoạch. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi đơn vị quản lý, chủ đầu tư cần có những biện pháp, giải pháp quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Tùng cho biết: Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021 và nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội của tỉnh, thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn; kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, tiếp tục tham mưu các biện pháp xử lý quyết liệt hơn, các chế tài mạnh hơn đối với các chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, như điều chuyển chủ đầu tư, cắt giảm kế hoạch vốn, đồng thời chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; lấy kết quả giải ngân kế hoạch là căn cứ để xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh.      

Văn Phương

Chuyên mục khác