Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

08/07/2021 06:42

Những thành tựu đạt được từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 đã chứng minh rằng, để phát triển nông thôn bền vững, cần chú trọng tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn các địa phương, các chủ thể tham gia chương trình. Đồng thời, cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng hành với các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP được chú trọng thông qua các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội chợ, triển lãm, ký kết các biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giao lưu sản phẩm OCOP giữa Kon Tum và các tỉnh thành trong cả nước…qua đó, tạo động lực và điều kiện để các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường.

Với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, đến nay, toàn tỉnh đã có 88 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó, có 82 sản phẩm đạt 3 sao; 5 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao của 56 chủ thể sản xuất. Các sản phẩm được công nhận OCOP đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của huyện, thành phố.

Sản phẩm OCOP được bày bán tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: T.H

 

Việc triển khai Chương trình OCOP đã góp phần khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Việc xây dựng và thực hiện Chương trình OCOP giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP, với những khởi đầu tương đối thuận lợi, hiệu quả của giai đoạn 2018 – 2020, trong năm nay và cả giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh ta đề ra những mục tiêu lớn hơn.

Theo đó, năm 2021 tỉnh ta tiếp tục đặt ra kế hoạch tổ chức được ít nhất 2 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh với mục tiêu có ít nhất 60 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng 3 sao trở lên và có từ 2 sản phẩm tiềm năng đạt hạng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Cả giai đoạn 2021- 2025, chương trình OCOP của tỉnh đề ra mục tiêu là quy hoạch và phát triển 350 sản phẩm OCOP với khoảng 200 chủ thể tham gia. Các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với ít nhất có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao.

Tiêu chí của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương theo 6 nhóm/ngành hàng có ưu thế để tập trung đầu tư phát triển gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; tăng cường đầu tư công nghệ để chế biến, bảo quản các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế các sản phẩm là nguyên liệu thô, chưa thành phẩm. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, hợp tác liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị và lợi nhuận.

 Mỗi huyện, thành phố xây dựng được ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP trên địa bàn, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum.

Hiện tại, toàn tỉnh đã có 154 sản phẩm mới của 96 chủ thể tiếp tục đăng ký tham gia phân hạng và công bố sản phẩm OCOP và 7 sản phẩm của 3 chủ thể đăng ký thi nâng hạng sao trong năm 2021.

Để hiện thực hóa mục tiêu chung của toàn tỉnh, mỗi địa phương có những kế hoạch, giải pháp riêng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của mình.

Chẳng hạn như huyện Sa Thầy, theo kế hoạch, địa phương phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2025 có ít nhất 25 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, Sa Thầy đề ra nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh về mục đích, ý nghĩa chương trình OCOP. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Có cơ chế hỗ trợ tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, tăng mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm…

Có thể nói chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, việc đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.     

Thiên Hương

Chuyên mục khác