28/07/2023 06:22
Điều đầu tiên mang tính quyết định để việc triển khai thực hiện mang lại hiệu quả là ban chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 các cấp và tổ công tác của các chương trình sớm được thành lập, kiện toàn, đảm bảo cho hoạt động điều hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành theo đúng quy định của Trung ương.
Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được các cấp chính quyền và các ngành chức năng đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ đề ra.
|
Sau khi được được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm, UBND tỉnh kịp thời triển khai phân bổ nguồn kinh phí các chương trình đảm bảo tiến độ, thời gian, tiêu chí. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn tất việc phân bổ, giao vốn đầu tư trung hạn cho các cấp trực thuộc để tổ chức thực hiện.
Sau 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế- xã hội và đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu mà các chương trình MTQG đề ra.
Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 42 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 37 xã có số tiêu chí đạt chuẩn từ 10-15 tiêu chí, 6 xã đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 15,35 tiêu chí/xã. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương duy trì thực hiện với 188 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên còn hiệu lực.
Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2022, toàn tỉnh có 6.781 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,46%, đạt 111,5% so với kế hoạch. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 15.943 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân của tỉnh.
|
Riêng chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là chương trình mới, thời gian triển khai ngắn nên các địa phương ít nhiều còn lúng túng trong tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả. Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 5 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ DTTS có đất ở ước đạt 98,55%, đất sản xuất ước đạt 98,45%.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc thực hiện các chương trình vẫn còn những khó khăn, hạn chế; nhất là trong công tác giải ngân các nguồn vốn. Vì vậy, đến hết tháng 6/2023, các địa phương mới giải ngân được khoảng 54,05% kế hoạch vốn năm 2022 và khoảng 14,05% kế hoạch vốn năm 2023 theo dự toán tỉnh giao.
Nhận diện rõ những hạn chế, vướng mắc gặp phải; các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 theo đúng tiến độ.
Trong đó, chú trọng phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các chương trình MTQG gắn với thực hiện có hiệu quả 2 cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và 2 phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực đảm bảo trọng tâm, trọng điểm
Bên cạnh đó, ban chỉ đạo các cấp tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cấp, ngành chức năng xử lý, tháo gỡ.
Điều đáng mừng là hiện nay nhiều cơ chế, quy định đã và đang được Trung ương ban hành, qua đó góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình.
Vừa qua, Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII đã bàn bạc và thống nhất ban hành các nghị quyết về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện các chương trình năm 2022, 2023, quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo cơ sở, điều kiện cho các đơn vị, địa phương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương cơ sở đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và hiệu quả cao nhất.
Thiên Hương