Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào dược liệu

14/01/2022 06:22

Với điều kiện tự nhiên đặc thù, Kon Tum có được nguồn dược liệu đa dạng, phong phú, tập trung chủ yếu ở 3 huyện phía Đông Trường Sơn là Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei với 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc quý hiếm, trong đó có sâm Ngọc Linh. Để khai thác hiệu quả lợi thế này, tỉnh ta đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư vào dược liệu, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Đánh thức tiềm năng

Để thúc đẩy phát triển dược liệu, tháng 3/2018, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 08/NQ-TU về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu. Theo đó, Quy hoạch Bảo tồn, đầu tư và phát triển vùng dược liệu cũng đã được xác lập, trong đó định hình phát triển vùng dược liệu vào năm 2030 là 25.000 ha, trong đó sâm Ngọc Linh 10.000 ha, đồng thời, phấn đấu đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm Quốc gia.

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU , đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được khoảng 2.416,5 ha dược liệu. Trong đó, hơn 1.000 ha sâm Ngọc Linh, 628,9 ha đảng sâm, 57,5 ha đương qui, 168,1 ha nghệ vàng và 117,8 ha sa nhân... Hiện, tỉnh ta đã hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung, điển hình như vùng trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei; vùng trồng sâm dây tại huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và vùng trồng sa nhân tím tại huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum...

Vườn ươm đương quy ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N

 

Đến nay, tỉnh ta đã có 2 cơ sở đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống sâm Ngọc Linh ra thị trường, đó là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Hiện, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum thiết lập vườn ươm sâm Ngọc Linh với công suất 3,7 triệu cây/năm; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô xây dựng vườn ươm sâm Ngọc Linh với công suất hơn 300.000 cây/năm. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đang hình thành cơ sở sản xuất giống dược liệu tại Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông. Đơn vị này đang xây dựng vườn ươm giống gốc, hàng năm ươm khoảng 1 triệu cây con, trong đó ngũ vị tử khoảng 500.000 cây và sâm Ngọc Linh ươm 50.000 cây, các loài dược liệu khác 450.000 cây.

Tỉnh ta cũng đã thiết lập được chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh Kon Tum; xây dựng logo chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”; xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Dù có tiềm năng lớn về sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu, cũng đã có nhiều thành công trong công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, nhưng thực tiễn phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn, thách thức. Dược liệu nuôi trồng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Dược liệu trong tự nhiên bị khai thác thiếu bền vững, sử dụng không hiệu quả đã khiến nhiều loài dược liệu bị cạn kiệt, khó có khả năng phục hồi; chưa có cơ chế trong sản xuất, kiểm soát chất lượng và sử dụng dược liệu trong các cơ sở y tế công lập. Các sản phẩm chế biến từ dược liệu còn ít, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giá trị đóng góp của dược liệu trong toàn ngành Nông nghiệp còn thấp…vì vậy, người dân chưa thực sự được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên dược liệu quý giá mà thiên nhiên ưu đãi.

Khuyến khích đầu tư phát triển và chế biến dược liệu

Xác định cây dược liệu là một trong những sản phẩm có lợi thế và là sản phẩm chủ lực, tỉnh đã ban hành một số giải pháp hỗ trợ phát triển dược liệu như chuẩn bị quỹ đất, rừng để thu hút nhà đầu tư, khuyến khích mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng như sâm Ngọc Linh, đảng sâm (sâm dây), ngũ vị tử, nấm ăn và nấm dược liệu…Tỉnh đã ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh có 31 dự án kêu gọi thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực dược liệu với quy mô gần 14.000ha, tổng vốn đầu tư khoảng gần 9.000 tỷ đồng tại 9 huyện, thành phố, nhưng chủ yếu là tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông.  

Để thu hút nhà đầu tư, tỉnh ta cũng có những chủ trương hỗ trợ nhà đầu tư như hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh và thực hiện các chính sách khuyến khích về đất đai, thuế theo quy định.

Người dân phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: PN

 

Đến nay, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 24 dự án phát triển dược liệu với tổng vốn đăng ký đạt 13.213 tỷ đồng, và hiện đã có một số dự án lớn đi vào hoạt động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 7 đơn vị, đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến dược liệu và đã hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu đối với sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ vị tử. Bước đầu các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng, khai thác và chế biến và phân phối các sản phẩm từ củ, lá sâm Ngọc Linh cho ra các sản phẩm rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, mật ong sâm SK5, thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 sói đêm, nước giải khác dưỡng da NoLiKo...Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông -Kon Tum khai thác, chế biến sâm Ngọc Linh, đảng sâm ra các sản phẩm trà sâm Ngọc Linh hòa tan, Collagen sâm Ngọc Linh, Viên nang mềm sinh lý sâm Ngọc Linh, Rượu sâm Ngọc Linh, Cà phê sâm Ngọc Linh, Mật ong sâm Ngọc Linh, 7 Dầu gió tinh nhân sâm. Công ty TNHH Thái Hòa liên kết, thu mua các sản phẩm cây đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử chế biến các loại sản phẩm rượu sâm, trà hòa tan.

Với tiềm năng, lợi thế về dược liệu, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, kể cả những công ty, tập đoàn lớn trong nước cũng đến tỉnh ta khảo sát, nghiên cứu để tìm cơ hội đầu tư. Tại các buổi tiếp các nhà đầu tư, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn khẳng định, tỉnh luôn khuyến khích, chào đón, mở cửa và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời sẽ chỉ đạo đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư các dự án ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có dự án về dược liệu.

Tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, một trong những vùng trọng điểm về phát triển dược liệu, trong năm 2021, Tu Mơ Rông đã có 11 nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát và lập dự án đầu tư tại huyện. Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện luôn chủ động, khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư. Các thủ tục, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan tạo thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư dự án trên địa bàn huyện.

“Bất cứ nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân đến huyện tìm hiểu, lập dự án, liên kết với người dân trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến các loại dược liệu, huyện đều hoan nghênh, ủng hộ”- ông Võ Trung Mạnh nhấn mạnh.

Tập trung thu hút các nguồn lực và luôn mở cửa, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp vào địa bàn thực hiện đầu tư phát triển và chế biến dược liệu, đó là chủ trương, quan điểm của tỉnh trong thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2030, Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ dược liệu.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác