Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm

04/11/2020 06:02

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn rẻ để giảm sâu mặt bằng lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn cũng được kéo giảm tương ứng.

Việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước là động thái điều hành vĩ mô lĩnh vực tài chính- tiền tệ linh hoạt, nhằm giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng, nhất là khi các ngân hàng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bởi tác động của Covid-19.

Ở tỉnh ta, tính đến ngày 30/9/2020, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 32.700 tỷ đồng, tăng  4,42% so với đầu năm (tăng 1.385 tỷ đồng), thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2019 (tăng 6,6%). Đây cũng là kết quả nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn (mức tăng trưởng cao so với các tỉnh khu vực Tây Nguyên). Mặt bằng chung lãi suất cho vay trong quý III/2020 phổ biến từ 6,0-8,0%/năm đối với ngắn hạn; 8-11%/năm đối với trung và dài hạn. Ngoài ra, một số ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay thấp, ưu đãi với nhiều gói tín dụng ưu tiên của mỗi hệ thống với mức từ 5-6,5%/năm; đồng thời tiếp tục áp dụng giảm từ 0,5- 1%/năm đối với các khoản cho vay hiện hữu và vay mới từ 01/4/2020 cho nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 theo Chỉ thị 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Hoạt động giao dịch tại Agribank Kon Tum. Ảnh: D.L

 

Bà Hà Thị Thanh Hòa - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kon Tum (Agribank Kon Tum) cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn thể cán bộ Agribank Kon Tum vẫn luôn chung sức đồng lòng, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành những chỉ tiêu kinh doanh đề ra. Cùng với sự cố gắng trong công tác huy động vốn, Agribank Kon Tum luôn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở mức độ kiểm soát tốt. Doanh số cho vay khoảng 13.800 tỷ đồng, tăng trưởng 5,3% (tăng 700 tỷ đồng so với đầu năm 2020). Với đà tăng trưởng này, Agribank Kon Tum nỗ lực phấn đấu tăng mức dư nợ đến cuối năm lên 14.100 tỷ đồng để đạt mức tăng trưởng 8%/năm theo kế hoạch đề ra.

Ông Hà Đức Hùng - Phó Giám đốc BIDV Kon Tum (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Kon Tum) cho rằng, trong thời gian qua, Chi nhánh BIDV Kon Tum thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đồng hành và chia sẻ, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn thông qua nhiều chính sách đưa ra các gói kích thích, miễn, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  Hiện tại, dư nợ tín dụng của BIDV Kon Tum khoảng 3.240 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 6%. “Hy vọng từ nay đến cuối năm  tốc độ tăng trưởng của đơn vị sẽ tiếp tục cải thiện bởi các món cho vay ngắn hạn cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh vào thời điểm cuối năm 2020 và cận Tết âm lịch” - ông Hà Đức Hùng cho hay.

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đang bắt đầu triển khai các chương trình huy động tiết kiệm. Tính đến 30/9/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 16.400 tỷ đồng, tăng 3,9% (tăng 620 tỷ) so với đầu năm. Hiện nay, nguồn vốn huy động đang có xu hướng tăng dần đều và đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (2,57%).

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, càng vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn kinh doanh của khách hàng càng lớn. Đó là chưa kể tỷ giá VND/USD đang có áp lực tăng khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất VND ở mức cao nhằm hạn chế việc khách hàng rút vốn. Nếu tăng lãi suất huy động, có nghĩa sẽ khiến lãi suất cho vay tăng thêm, khi cầu của nền kinh tế còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thoát khỏi khó khăn thì việc tăng trưởng tín dụng cho vay của các ngân hàng lại càng gặp khó.

Ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum cho biết, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp với chỉ tiêu của Hội sở giao và tình hình thực tế của địa phương. Việc mở rộng tín dụng phải đạt hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời tăng cường công tác huy động vốn, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Dương Lê

Chuyên mục khác