01/04/2021 06:17
Tại buổi làm việc đầu năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông, đồng chí Đặng Thanh Nam – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo, thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy khóa XIII, huyện Kon Plông đã được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy hoạch tổng thể phát triển địa phương gắn với tiềm năng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái Măng Đen. Cụ thể, trong 13 năm qua (2007-2020), huyện Kon Plông đã được đầu tư hơn 9.164 tỷ đồng, từ các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh dành cho các chương trình, mục tiêu phát triển vùng kinh tế động lực.
Trong đó, kết cấu hạ tầng và quy hoạch trung tâm huyện Kon Plông được đầu tư nâng cấp, mở rộng; hơn 2.000km đường giao thông được đầu tư nâng cấp, nối thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS; hệ thống lưới điện, dự án nước sinh hoạt, công trình thủy lợi được đầu tư từ trung tâm huyện đến vùng nông thôn đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, đơn vị doanh nghiệp... Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh sống, đi lại, cũng như thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất, thông thương dễ dàng hơn giữa các vùng trong huyện, cũng như các vùng kinh tế trong tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Kon Plông - Đào Duy Khánh cũng khẳng định, nhờ hưởng lợi từ triển khai Nghị quyết 02, mà địa phương đã được tỉnh và các sở, ban, ngành quan tâm, hỗ trợ triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế; giới thiệu và quảng bá các doanh nghiệp đến khảo sát, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất sạch hiện có để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, cũng như thúc đẩy mở rộng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực huyện.
Tính đến nay, huyện đã vận động, thu hút được 60 dự án của cá nhân, doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, được tỉnh công nhận hơn 720 ha trồng các loại rau, hoa, quả xứ lạnh. Huyện khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng các loại cây dược liệu được 151,5ha, cây cà phê xứ lạnh 987,7 ha, xây dựng cánh đồng lớn trồng bắp lấy thân được 78,56ha. Huyện còn hình thành được 2 cơ sở vườn ươm cây giống tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen.
|
Thông qua các dự án của doanh nghiệp và nhân dân đã phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy mạnh việc triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, công nghệ cao trên địa bàn. Đồng thời, huyện cũng đã đưa 27 hợp tác xã, 49 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, hàng hóa nông sản được thu hoạch quanh năm ở địa phương đã và đang cung ứng ra thị trường trong, ngoài tỉnh với đa dạng các loại rau, củ, quả và các mặt hàng nông nghiệp, dược liệu khác. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 22 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu như: rau, củ, quả xứ lạnh Măng Đen; măng nứa Kon Plông; tiêu rừng Măng Đen; chè dây Măng Đen; sơn tra Măng Bút; cốt toái bổ Măng Đen; gạo lứt Măng Bút; chuối rừng Măng Đen...
Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện thu hút được 42 dự án đã và đang triển khai đa lĩnh vực khác như quản lý chuỗi khách sạn, nhà hàng và khai thác tiềm năng du lịch Măng Đen, du lịch cộng đồng ở các xã và khai thác khoáng sản; 24 dự án khác đang thực hiện khảo sát, chuẩn bị đầu tư với tổng số vốn đăng ký 2.755 tỷ đồng. Bình quân, địa phương thu hút khoảng 300 – 400 ngàn lượt khách du lịch/năm; riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19, nhưng Kon Plông vẫn đón gần 200 ngàn lượt khách tham quan các điểm di tích lịch sử, các khu du lịch, tăng 2,4% so với kế hoạch đề ra.
Thời gian qua, Đảng bộ huyện còn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới và đã có 02 xã đạt chuẩn là xã Pờ Ê và Măng Cành, các xã còn lại đạt 12-18 tiêu chí của Bộ tiêu chí nông thôn mới. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông đã về đến trung tâm xã, đạt 100%; đến tận thôn, làng đạt hơn 90%, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, sản xuất và giao thương ngày càng tốt hơn.
Để tiếp tục phát triển vùng kinh tế động lực Kon Plông, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đề nghị Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với UBND huyện Kon Plông tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh Quyết định 298/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh phân bổ giai đoạn 2021-2025 cho địa phương hơn 5.000 tỷ đồng để thực hiện tập trung phát triển vùng kinh tế động lực gắn với phát triển Khu du lịch sinh thái Măng Đen, bao gồm: Tiếp tục đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp đã được xác định; mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế ở các xã, thị trấn Măng Đen; đẩy nhanh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống mới có năng suất, chất lượng nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Cùng đó, gắn với phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển tiềm năng sẵn có của huyện, đề nghị tỉnh sớm điều chỉnh và phân bổ nguồn vốn đầu tư triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 676; triển khai xây dựng tuyến đường đấu nối đường DH34 với Tỉnh lộ 676; đầu tư nhà máy nước số 2 cũng như hệ thống đường ống nước đấu nối với các khu dân cư, hệ thống xử lý nước thải, vỉa hè trung tâm huyện; đầu tư dự án Công viên văn hóa Măng Đen nằm trong quy hoạch tổng thể phân khu Đông Nam đô thị Kon Plông đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 1633/QĐ-UBND.
Ngoài ra, huyện đề nghị các sở, ngành phối hợp tốt hơn nữa với địa phương để tham mưu tỉnh thực hiện đạt hiệu quả cao nhất về quảng bá, thu hút đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi và đôn đốc các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo cam kết, kiên quyết xử lý và đề xuất xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai theo quy định; tham mưu tỉnh sớm phê duyệt các phương án đấu giá để khai thác sử dụng có hiệu quả các khu, điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí trong thời gian tới theo quy định của pháp luật.
Đối với huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã và đang xây dựng, triển khai kế hoạch rà soát quỹ đất, tổ chức sản xuất tập trung theo các chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, cây lâm nghiệp trên cơ sở rà soát quỹ đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng để chuyển đổi phát triển cây công nghiệp, cây lâu năm, để tiến tới hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với các sản phẩm có lợi thế như cà phê xứ lạnh, keo lai, cây ăn quả.
Đối với phát triển du lịch, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy tăng cường năng lực lãnh đạo, xây dựng chương trình hành động ở cơ sở để huy động xã hội hóa từ doanh nghiệp, cá nhân, hộ dân tham gia phát triển, tạo thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các điểm vui chơi, giải trí; liên kết hình thành thêm các tour, tuyến du lịch... Về phía tỉnh, huyện đề nghị nhận được sự quan tâm phân bổ nguồn vốn để vận động nhân dân tiếp tục phát triển 23 đội cồng chiêng phục vụ du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy 518 bộ cồng chiêng hiện có.
Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân tập trung nguồn lực, trí tuệ, sức mạnh đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 – 2025.
Mai Trâm