Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

10/10/2016 09:05

Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh, tạo thuận lợi trong giao dịch… là những lợi ích thiết thực của thương mại điện tử. Hoạt động giao dịch thương mại thông qua internet hiện đang phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Kon Tum.

Những thành công bước đầu

So với nhiều tỉnh thành khác, thương mại điện tử ở Kon Tum xuất hiện khá muộn, năm 2011, lĩnh vực này mới được khởi động. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, thương mại điện tử đã bắt đầu đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giúp cho các doanh nghiệp tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm và chủ động hội nhập quốc tế.

Theo khảo sát của Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 95% số cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của thương mại điện tử; 70% số doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin.

Siêu thị Vinmart đã áp dụng thanh toán bằng thẻ ATM cho khách hàng. Ảnh: T.H

 

Kon Tum cũng đã có khoảng 10% số doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 10% số doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 10% số cơ sở kinh doanh các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng...

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, đầu tư các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; xây dựng các website để giới thiệu, quảng bá, giao dịch bán hàng, trao đổi thông tin tìm kiếm mở rộng thị trường.

Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng của thương mại điện tử, tìm kiếm khách hàng và các cơ hội hợp tác trên internet.

Điển hình cho sự phát triển thương mại điện tử của tỉnh là sự ra đời của sàn giao dịch thương mại điện tử Kon Tum vào đầu năm 2016 và hiện tại đã có 11 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch điện tử với 25 sản phẩm được quảng bá, giới thiệu. Bên cạnh đó, Sở Công thương còn hỗ trợ xây dựng 6 website cho các doanh nghiệp...

Nhiều giải pháp đưa thương mại điện tử phát triển

Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện một số doanh nghiệp chưa thấy rõ vai trò, lợi ích, hiệu quả kinh tế của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên còn dè dặt khi áp dụng; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử còn yếu.

Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp Kon Tum là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hạn chế, tiềm lực tài chính yếu nên chưa chú trọng đầu tư khai thác ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động kinh doanh điện tử.

Bên cạnh đó, việc mua sắm online trong người dân cũng chưa thực sự phổ biến tạo ra cản trở lớn đối với việc thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử trên địa bàn.

Với mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh; Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong những năm tới.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tỉnh và qua bộ phận một cửa điện tử; 50% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, cơ sở cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử; áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử.

Thêm vào đó, phấn đấu biến mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng; 40% số doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại, 50% số doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm...

Để đạt những mục tiêu này, Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của thương mại điện tử; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử cho các đối tượng là cán bộ nhà nước, doanh nghiệp, thanh niên khởi nghiệp và sinh viên.

Đồng thời, Sở cũng sẽ tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, phát triển các tiện ích thanh toán qua phương tiện điện tử, hỗ trợ người mua thanh toán trực tuyến, ứng dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử trong kinh doanh điện tử giữa các doanh nghiệp; cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng thương mại điện tử...

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, phát triển thương mại điện tử là một nhu cầu cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch.

Cùng với lợi ích của doanh nghiệp, thương mại điện tử cũng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp.

Phát triển thương mại điện tử sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thiên Hương

Chuyên mục khác