Đẩy mạnh liên kết, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

14/03/2019 06:33

Theo Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 5/7/2018 của UBND tỉnh Kon Tum, danh mục 15 dự án phát triển theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn đã được xác định. Vừa là mục tiêu được phấn đấu thực hiện, các chuỗi giá trị này vừa tạo động lực thúc đẩy nâng cao giá trị nông sản, hình thành và phát triển thương hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân.

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hiểu một cách đơn giản là quá trình tổ chức sản xuất và kết nối dịch vụ để đưa sản phẩm nông nghiệp từ nhà vườn, trang trại đến tay người tiêu dùng.

Nhận thức đúng đắn vai trò của chuỗi liên kết trong quá trình xây dựng và phát triển, ông Đỗ Văn Luận - thành viên Tổ hợp tác Sản xuất rau VietGap 1/5, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum cho biết: Trong quá trình sản xuất, chúng tôi thực hiện đúng quy trình VietGap, yêu cầu canh tác “nông nghiệp tốt”, nhất là chủ động sử dụng hợp lý các loại chế phẩm sinh học. Sản phẩm đạt năng suất và chất lượng không chỉ được liên kết tiêu thụ với các đơn vị, trường học; mà còn được tiêu thụ ngoài thị trường; từng bước hình thành thói quen sử dụng rau an toàn cho người tiêu dùng.

Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen đã đầu tư xây dựng trang trại ứng dụng công nghệ cao quy mô 3ha tại địa bàn thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Bước đầu, một số diện tích nhà kính được lắp đặt để trồng cà chua Nhật theo công nghệ tiên tiến. Trên cơ sở kết nối với hệ thống siêu thị Aeon tại Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm cà chua sạch của công ty được tiêu thụ với mức giá cao hơn hẳn thị trường tự do.

Ông Phạm Văn Lịch - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen cho biết: Đầu tư hình thành chuỗi liên kết với đầu mối doanh nghiệp thương mại đảm bảo cho sản phẩm của công ty ổn định đầu ra, nâng cao giá trị.

Thực tế cho thấy, chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ sản xuất đến phân phối được hình thành trên cơ sở phối hợp giữa bốn nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển hiện nay, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xem là yêu cầu thực tiễn.

Là nơi tập trung trên 8.000ha cây cà phê và 7.000ha cây cao su, huyện Đăk Hà quan tâm phát triển loại hình kinh tế tập thể, làm nòng cốt hình thành chuỗi liên kết đạt hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện Đăk Hà cũng là một trong số địa bàn trọng điểm của tỉnh triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ 1.000ha cà phê vối theo tiêu chuẩn 4C,UTZ.

Tại đây, ngoài các doanh nghiệp có “thâm niên” đã xây dựng được thương hiệu như cà phê Đăk Hà, cà phê Đăk Mark, cà phê Sáu Nhung..., các đơn vị tiếp tục được hình thành với thương hiệu mới, như Hợp tác xã kiểu mới sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thương mại Hải Tình.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Chương, thời gian qua, liên kết xây dựng chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và đạt một số kết quả nhất định. Có thể kể đến sự hình thành và từng bước phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu, nấm ăn, trái cây VietGap tại địa bàn thành phố Kon Tum; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo, cà phê ở huyện Đăk Hà; chuỗi liên kết sản xuất dược liệu tại huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Tô; chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn tại huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum…

“Liên kết, xây dựng chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất và người dân tránh tình trạng được mùa mất giá, đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích chính đáng. Bước đầu liên kết, xây dựng chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp tại địa bàn tỉnh góp phần mang lại tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Người sản xuất không phải lo lắng bị tư thương ép giá” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Chương ghi nhận.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tổ chức lại trồng trọt, chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm; đảm bảo tiêu thụ sản phẩm gắn với thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong đó, liên kết để đảm bảo đầu ra cho nông sản giữ vai trò quan trọng đối với hình thành và phát triển chuỗi giá trị.

Ông Huỳnh Quốc Tuấn ở tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum dẫn chứng: Có dịp đến tham quan một số trang trại sản xuất nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông; chúng tôi thấy rằng, nhờ ứng dụng công nghệ cao, cà chua bi ổn định đầu ra, xuất bán với giá 60.000-70.000 một ký. Trong khi cùng loại sản phẩm này, chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, bán sỉ tại thành phố Kon Tum chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng một ký. Nếu đảm bảo chất lượng nông sản và nhất là có sự liên kết chặt chẽ về đầu ra cho sản phẩm, hẳn người nông dân chúng tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều trong quá trình đầu tư.

Nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, quả

 

Trong số 15 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phấn đấu hình thành vào năm 2020, ngoài chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn thực phẩm; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê vối; còn có chuỗi liên kết sản xuất chanh dây; sản xuất mì, mía ứng dụng công nghệ cao; chuỗi liên kết trồng cây làm thức ăn chăn nuôi tại địa bàn các huyện, thành phố. Đặc biệt, phải kể đến các chuỗi liên kết được tập trung xây dựng trên cơ sở phát triển sản xuất ở địa bàn vùng sâu vùng xa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, như chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ 300ha cà phê chè hữu cơ tại các xã Đăk Choong, Xốp, Đăk Man của huyện Đăk Glei; chuỗi liên kết sản xuất 100ha lúa gắn với xây dựng thương hiệu gạo đỏ tại huyện Kon Plông, mà trọng điểm là xã Măng Bút; chuỗi liên kết trồng 300ha cây dược liệu tập trung tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ia H’Drai...

“Xác định doanh nghiệp là chủ thể, hạt nhân trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến đối với các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng trên thị trường quốc tế; thời gian tới, ngành NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị và bà con nông dân tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy đầu tư và liên kết, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Chương cho biết.

Quan tâm hình thành và phát triển các chuỗi giá trị không chỉ góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; mà còn thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh phù hợp với thực tế địa phương. Thời gian tới, ngành NN&PTNT tỉnh cùng các địa phương tiếp tục hỗ trợ hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để người dân học tập, làm theo; gắn với quan tâm tổ chức giới thiệu, kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm theo chuỗi giá trị không chỉ tại địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh; mà còn từng bước mở rộng phạm vi liên kết đến các tỉnh trong khu vực, trong nước và thị trường nước ngoài.

    Bài, ảnh: Thanh Như

Chuyên mục khác