11/04/2020 13:01
Để chặn đà suy giảm, kích thích tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đang đẩy mạnh hơn các yếu tố hỗ trợ, trong đó nổi bật nhất là giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án. Bởi, hiện vốn đầu tư công chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp nhất định vào tăng trưởng. Các dự án hạ tầng được hoàn thiện sẽ có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính chủ động tăng tốc giải quyết các vướng mắc; trong đó, hệ thống Kho bạc tăng cường cải cách hành chính, theo hướng thanh toán trước, kiểm soát sau; giảm thời gian giải quyết từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Các địa phương tích cực rà soát, báo cáo rõ những vướng mắc trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công để có biện pháp tháo gỡ; tăng cường phân cấp, ủy quyền cũng như thành lập tổ công tác để xử lý các vấn đề tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công… Đó là hàng loạt vướng mắc đã và đang được tháo gỡ để phá vỡ “cục máu đông” trong đầu tư công, góp phần tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội ở góc độ vĩ mô của toàn bộ nền kinh tế và cả ở từng địa phương, từng lĩnh vực, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn kéo dài, diễn biến ngày càng phức tạp.
Ở tỉnh ta, đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2020 giải ngân được hơn 260 tỷ đồng, đạt 8,7% so với kế hoạch địa phương giao. Nếu không tính các nguồn vốn gồm: Nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu và các khoản chi cụ thể khác thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh Kon Tum đạt 14,79% kế hoạch địa phương giao.
|
Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù địa phương đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, nhưng tỷ lệ giải ngân trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn thấp. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và tăng cường kỷ luật, nhất là vai trò người đứng đầu trong việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân có liên quan, cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh.
Từ góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn này cần ưu tiên đẩy mạnh việc giải ngân vào các dự án đầu tư công để làm lực đẩy cho nền kinh tế, kích thích tăng trưởng kinh tế. Giải phóng nguồn vốn công là cần thiết để phục hồi nền kinh tế sau dịch, hỗ trợ tăng trưởng. Bởi, nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả sẽ có tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến phát triển kinh tế. Luật Đầu tư công (sửa đổi), giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm nay được kỳ vọng sẽ có nhiều cải thiện so với năm 2019. Tuy nhiên, năm 2020 phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ, vừa tập trung giải ngân thực hiện kế hoạch năm 2020, vừa xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, vì vậy, cần sự quyết liệt của người đứng đầu của từng địa phương, đơn vị trong quản lý, điều hành để thúc đẩy giải ngân song song với việc chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, tạo động lực để thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong những cuộc họp thường kỳ của Chính phủ và họp trực tuyến với các tỉnh thành trong thời gian gần đây.
Chính vì vậy, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang ra sức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi công tại công trình các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn; ưu tiên sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp.
Lãnh đạo các địa phương và ngành Giao thông Vận tải tỉnh chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát chịu trách nhiệm triển khai và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên công trình theo quy định, nhất là tại các khu lán trại, nơi tập trung nhiều công nhân. Các nhà thầu phải bố trí nhân viên, người lao động làm việc đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình; chịu trách nhiệm về việc nhân viên, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên công trình, khu lán trại; nếu phát hiện người có các triệu chứng nghi ngờ có liên quan đến dịch bệnh Covid-19 (sốt, ho, khó thở…), kiên quyết không cho vào công trường và báo cáo kịp thời đến tổ chức chủ quản quản lý lao động để yêu cầu đến khám tại các cơ sở y tế, thực hiện cách ly theo quy định.
Song song với việc kiểm soát dịch bệnh, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh là vô cùng cần thiết để bù đắp những thiệt hại trong tăng trưởng kinh tế do những tác động xấu từ tình hình dịch bệnh. Qua mùa dịch, tất cả mọi hoạt động kinh tế- xã hội được kỳ vọng sẽ trở về quỹ đạo ổn định và điều này cần sự chung sức từ tất cả các phía.
Dương Lê