Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

03/10/2022 13:08

Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu đầu năm đến nay, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG): Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh, về việc giải ngân vốn đầu tư công (không tính kế hoạch vốn các Chương trình MTQG), tính đến ngày 20/9/2022, tỉnh đã giải ngân đạt gần 1.281 tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch vốn năm 2022 Trung ương giao, cao hơn cùng kỳ năm trước là 40%. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, thì tính đến hết tháng 8/2022, tỷ lệ giải ngân của tỉnh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Điều đó cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các Chương trình MTQG, thực hiện các quy định chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; thành lập 3 Tổ công tác và chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động các Tổ công tác của các Chương trình MTQG. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực chủ động xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh với 10 nghị quyết của HĐND tỉnh, 7 quyết định của UBND tỉnh...

Thành phố Kon Tum đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và tiến độ giải ngân vốn. Ảnh: VĂN PHƯƠNG 

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh hoàn thành việc giao 100% kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc.  Ước đến hết niên độ năm 2022, toàn tỉnh giải ngân đạt khoảng 91,7% dự toán Trung ương giao. Toàn tỉnh hiện đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao, 7 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2021 chiếm 15,32% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), ước thực hiện năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 4% so với năm 2021, trong đó các huyện nghèo phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo từ 6-8%.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến đầu tư công và các Chương trình MTQG, việc thực hiện ở tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các quy định về đầu tư xây dựng như luật, nghị định được ban hành, nhưng việc hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương ban hành chưa kịp thời, nhiều nội dung chưa rõ trong quá trình triển khai thực hiện khiến nhiều chủ đầu tư lúng túng, bị động... trong công tác triển khai thực hiện. Cụ thể như đối với nguồn vốn ODA, mặc dù tỉnh có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cho phép giảm dự toán năm 2021 và không cắt giảm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với số vốn kế hoạch ODA nguồn ngân sách trung ương cấp phát năm 2021 không giải ngân hết, tuy nhiên, đến ngày 8/6/2022 mới được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết số 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022. Do đó, công tác phân bổ chi tiết kế hoạch còn chậm.

Bên cạnh đó, chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư vẫn còn có vướng mắc, chưa được sự đồng thuận của người dân, làm ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Việc chưa có cơ chế cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB riêng và xem xét đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ và gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong thời gian tới, UBND tỉnh tập trung một số giải pháp: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn; kiên quyết thực hiện việc điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các chủ đầu tư để chậm tiến độ giải ngân, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...

Đồng thời, trước yêu cầu đặt ra, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao chi tiết bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách Trung ương năm 2022 theo Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQH15, ngày 31/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và kế hoạch năm 2022 thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội để có cơ sở triển khai thực hiện và kịp tiến độ giải ngân trong năm 2022.

UBND tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân cấp trong phê duyệt danh mục dự án thực hiện các Chương trình MTQG hằng năm cho UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện để giảm thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình góp phần giảm bớt thời gian, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, bộ, ngành chủ đầu tư Chương trình MTQG sớm thông báo dự kiến vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 để địa phương có cơ sở hoàn thiện, phê duyệt kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 theo quy định.    

Văn Nhiên

Chuyên mục khác