08/05/2017 17:58
Trong các năm qua, ngành Công thương phối hợp với các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Chỉ tính riêng năm 2016, Sở Công thương đã tổ chức 6 hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh. Sở còn tích cực vận động các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh Long An, Hậu Giang, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Nam Định, Hòa Bình và thành phố Hà Nội; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế ở Lào, Thái Lan; Campuchia...
|
Qua đó, đã giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh tiếp xúc với các đối tác, tạo ra những cơ hội hợp tác làm ăn mới với các nhà đầu tư, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Các chương trình hội thảo, hội nghị, đối thoại cũng được tổ chức thường xuyên nhằm cập nhật, cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp về tìm kiếm đối tác, nắm bắt cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh chưa thật sự quan tâm đến công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng mạng lưới kinh doanh nên chưa mạnh dạn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài; nhiều doanh nghiệp còn chưa chú trọng xây dựng thương hiệu riêng; quảng bá hình ảnh của sản phẩm. Chính vì vậy, tính cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, giá trị sản phẩm thấp, chưa thu hút được khách hàng...
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ mới, giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh đã xây dựng chương trình xúc tiến thương mại với rất nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá các mặt hàng chủ lực của tỉnh... Theo đó, việc đầu tiên là quảng bá hình ảnh các mặt hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh, quảng bá chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của tỉnh ra nước ngoài; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hàng hóa và dịch vụ trong tỉnh đến người tiêu dùng trong nước thông qua các hoạt động truyền thông để quảng bá các sản phẩm của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thiết kế nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý...
Hàng năm, cùng với việc tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh cũng trích một phần kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, nước ngoài nhằm giúp tăng cường tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ thông tin thị trường, định hướng xuất khẩu.
Đặc biệt, tại địa bàn tỉnh, định kỳ mỗi quý một lần, Sở Công thương sẽ tổ chức Hội chợ nông sản Kon Tum; các phiên chợ hàng Việt đến khu vực các xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh xây dựng điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, mở rộng mạng lưới phân phối; đồng thời giúp người dân tiếp cận hàng Việt Nam và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Mục tiêu mà chương trình xúc tiến thương mại hướng đến trong thời gian tới là giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tìm kiếm đối tác, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu; mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại sẽ từng bước đưa tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt cao và bền vững; tạo sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô; khuyến khích phát triển sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo...
Thiên Hương