Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại

02/04/2023 06:05

Tỉnh ta tuy không phải là địa bàn trọng điểm về sản xuất, buôn bán hàng cấm, nhưng đây vẫn là vấn đề đáng lo ngại, với diễn biến ngày càng phức tạp, phương thức ngày càng tinh vi.

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, các đối tượng thường lợi dụng phương tiện vận tải trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum và các tuyến Tỉnh lộ để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu đến các bến, bãi tập kết, lên xuống hàng hóa, sau đó phân lẻ, dùng xe gắn máy, xe tải nhẹ vận chuyển, phân phối, tiêu thụ tại địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá ngoại, các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như rượu ngoại, quần áo, mỹ phẩm, bia, nước giải khát. Tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm qua biên giới cũng tiềm ẩn nhiều nỗi lo, nhất là mùa Tết.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng hóa có chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn đã công bố vẫn tồn tại. Đáng chú ý là, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng các địa bàn vùng sâu, vùng xa để đưa các loại hàng giả, hàng nhái, hàng hóa kém chất lượng đến tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hàng hóa trên thị trường. Ảnh: T.H

 

Ông Trần Kiều Hưng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Xác định, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường và phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, chúng tôi tăng cường lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức trinh sát, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, bám địa bàn theo dõi các hành vi vi phạm, các loại tội phạm cụ thể để có giải pháp ứng phó; thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm. Quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường kết hợp tuyên truyền đến nhà sản xuất, kinh doanh về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ký cam kết không tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức người dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, cảnh giác với các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi gian lận thương mại.

Năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thực hiện 347 vụ kiểm tra độc lập; qua đó, phát hiện và xử phạt 105 vụ vi phạm với số tiền xử phạt là 537,75 triệu đồng. Quý I/2023, tiến hành kiểm tra 8 vụ; qua đó, xử lý vi phạm hành chính 6 vụ với tiền phạt là 103,5 triệu đồng.

Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới luôn được lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan và các lực lượng chức năng duy trì thường xuyên. Trọng điểm là tại các đường mòn, lối mở, hai bên cánh gà Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu thương mại cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới. Qua đó,  phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm.

Chỉ tính riêng năm 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện 14 vụ vi phạm, bắt giữ 18 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật vi phạm như ma túy, pháo, vũ khí, động vật hoang dã.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ nhiều hàng hóa vi phạm. Ảnh: TH

 

Công tác đấu tranh với nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tuy đã được các lực lượng chức năng tăng cường, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn diễn ra tràn lan, nhất là đối với các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống, thức ăn thủy sản, thuốc lá ngoại, rượu bia, sâm Ngọc Linh củ, sâm dây.

Theo ông Trần Kiều Hưng, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác trinh sát, giám sát 24/7, quản lý chặt địa bàn, tập trung theo dõi các ổ nhóm, các đối tượng đầu mối để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm. Nâng cao nghiệp vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; phối hợp các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng ở các khu vực trọng điểm trên tuyến biên giới tăng cường tuần tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.     

Thiên Hương

Chuyên mục khác