Đầu tư tam nông tạo động lực phát triển

08/07/2021 13:12

Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIII đã ban hành Chương trình 58-CTr/TU, ngày 8/10/2008 thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông). Sau hơn 12 năm quán triệt, triển khai, cả hệ thống chính trị được huy động “vào cuộc”, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Quán triệt, triển khai Chương trình 58-CTr/TU của Tỉnh ủy, gần 12 năm qua, tam nông của tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa X xác định. Trong đó, trọng tâm là tập trung xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn; đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân…

Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, phát triển cây dược liệu; chỉ đạo tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện các chương trình đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương…     

Đầu tư nông nghiệp đi vào chiều sâu. Ảnh: T.N

 

Sau hơn 12 năm, tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ 120.300 ha cây trồng các loại vào năm 2008, đến nay, tổng diện tích gieo trồng của toàn tỉnh đã đạt xấp xỉ 179.000 ha. Năm 2020, tổng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.750.000 con, trong đó, đàn trâu hơn 25.000 con, đàn bò gần 82.000 con, đàn lợn khoảng 160.000 con. Từ khởi đầu bảo tồn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành trên 1.260 ha cây dược liệu, trong đó có hơn 600 ha cây sâm Ngọc Linh.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hơn 5%/ năm. Thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của người dân là cơ sở đưa định hướng phát triển sản xuất thông qua đầu tư thâm canh, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động xây dựng các chuỗi liên kết giá trị sản xuất nông nghiệp… vào thực tế sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả nông sản. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh được chuyển dịch theo hướng tích cực trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận công nghệ sinh học, thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (cây cao su, cà phê, mía, cây ăn quả, cây dược liệu). Nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 8.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao được hình thành. UBND tỉnh đã công nhận 2 vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà, 2 doanh nghiệp NNUDCNC là Công ty TNHH Việt Khang Nông tại huyện Kon Plông và Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát tại huyện Đăk Hà. Ngoài Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông) đã được định hình, ổn định hoạt động, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đăk Hà và thành phố Kon Tum tiếp tục được chuẩn bị các điều kiện để hình thành trong thời gian tới.

Hội nông dân tỉnh thu hút gần 64.000 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 101 cơ sở hội cấp xã, 732 chi hội, 1.746 tổ hội. Đã có 4 chi hội nghề nghiệp và hơn 70 tổ hội nghề nghiệp được thành lập, duy trì hoạt động tập trung vào nhiều lĩnh vực. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, toàn tỉnh có gần 40.000 lượt hộ nông dân được công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, khoảng 7% là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, Trung ương, 24% là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, còn lại là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp xã.

Toàn tỉnh hiện có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 06 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 6 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM.

Phát triển tam nông đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 9,7%/ năm, nâng thu nhập bình quân đầu người từ 1.406 USD (năm 2015) lên 1.990 USD (năm 2020). Toàn tỉnh hiện có 100% thôn (làng)  có điện, 99,3%  hộ được sử dụng điện, 89% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 4%/ năm. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 53% số xã đạt chuẩn NTM, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

 Trong giai đoạn 2020-2025, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển trong lĩnh vực này làm cơ sở cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân…

Chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về tam nông chính là cơ sở để BCH Trung ương khóa XIII xây dựng nghị quyết mới nhằm mở ra thời kỳ phát triển mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh ta luôn nỗ lực góp phần thực hiện thắng lợi công tác này. 

Thanh Như

Chuyên mục khác