18/09/2021 13:14
Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên minh HTX tỉnh, hiện tổng số HTX, Liên hiệp (LH) HTX đang hoạt động trong ngành nông, lâm nghiệp là 135 (134 HTX, 1 LH HTX); thu hút được 1.913 thành viên.
Dù nhiều khó khăn, nhưng đáng mừng là những “thông số” liên quan đến hoạt động của các HTX nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 đều khá khả quan. Doanh thu bình quân khoảng 1,1 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 235 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên khoảng 35 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Các HTX nông nghiệp đã chú trọng sử dụng phương thức khoán và hợp đồng dịch vụ trong các khâu để phát huy vai trò làm chủ của thành viên, tăng năng suất và sinh lợi trực tiếp; tiếp tục xử lý những tồn đọng về nguồn vốn, tài sản và vốn góp của thành viên. Tăng cường về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính.
Có trên 60% số HTX nông nghiệp đã có tích lũy vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều mô hình HTX kiểu mới đã thể hiện được vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, như: HTX Sáu Nhung, HTX Thần nông, HTX Hợp Thành, HTX Hải Tình, HTX Rạng Đông, HTX Tiến Đạt, HTX Lộc Phát, HTX rau, hoa và du lịch Thanh Niên, HTX Công bằng Pô Kô…
Hầu hết HTX nông nghiệp đã trích quỹ cùng chính quyền địa phương đầu tư công trình hạ tầng nông thôn, xây dựng công trình giao thông, các công trình hạ tầng văn hóa xã hội, xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ hoạt động của các đoàn thể, hỗ trợ ngân sách cấp xã…
|
Đánh giá về vai trò của các HTX nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho rằng, những năm qua, các HTX đã không ngừng đổi mới, tổ chức lại sản xuất để hoạt động hiệu quả hơn. Sự phát triển của HTX nông nghiệp cũng sẽ “kéo” các HTX ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ, công nghiệp, vận tải lên theo.
Thông qua HTX, các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đưa cơ giới vào đồng ruộng, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho nông dân- ông Nguyễn Thanh Mân nhấn mạnh.
Được biết, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 19 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng, giúp nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường.
Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhiều HTX nông nghiệp đã năng động, linh hoạt và thích ứng nhanh. Từ đó có những cách làm sáng tạo để vượt qua khó khăn, không chỉ để tồn tại mà còn chuẩn bị cho bước phát triển “hậu Covid”.
Đơn cử như HTX nông nghiệp Công bằng Pô Kô (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), trước những khó khăn do dịch bệnh, cùng sức ép từ yêu cầu đảm bảo việc làm, thu nhập cho 113 thành viên, ban quản trị phải chủ động tìm hướng đi mới, thay vì chỉ tập trung cung ứng nguyên liệu cà phê chất lượng cao cho thị trường quốc tế.
Theo đó, HTX khuyến khích thành viên trồng xen canh các loại cây trồng có lợi cho đất, như đậu, đỗ, mè… trên 172ha cà phê chuyên canh, vừa có thêm thu nhập, vừa giảm chi phí phân bón. Mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để phát triển sản phẩm bán lẻ trong nước. Hiện nay, cả 2 sản phẩm mới, gồm cà phê bột pha phin với tỷ lệ 100% quả chín và trà gạo lứt đều thành công trên thị trường, đem lại doanh thu khả quan cho HTX.
Tất nhiên, nói như vậy không phải HTX nông nghiệp đã thực sự vượt qua những “căn bệnh chung” của kinh tế tập thể. Vẫn có không ít HTX nông nghiệp thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ; chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Việc tìm kiếm thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, kết nối kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn lúng túng và chưa hiệu quả; một số HTX “nằm im”, thậm chí giải thể.
Thực tế trên cũng cho thấy, muốn tồn tại và phát triển, các HTX nông nghiệp cũng cần tìm được hướng đi mới, vừa phù hợp với yêu cầu khách quan, vừa phải đảm bảo tính bền vững.
Theo dõi sát tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp nhận định, các HTX nông nghiệp cần đi theo xu hướng xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, mô hình liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp.
Yêu cầu tất yếu hiện nay đối với HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng là nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, cùng với xây dựng mô hình liên kết, gắn sản xuất với chuỗi giá trị hàng hóa, các HTX nông nghiệp nên tập trung vào một hoặc vài sản phẩm chủ lực; ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tạo dựng và nâng cao uy tín.
Và cuối cùng, HTX nông nghiệp cần thu hút được sự tham gia của nông dân; làm cho nông dân biết tự quyết định việc sản xuất của mình. Tức là trở thành chủ thể tham gia và làm ra chuỗi giá trị gia tăng để mang lại lợi nhuận cho chính mình.
Hồng Lam