Đầu năm vui chuyện giảm nghèo

03/01/2024 14:04

Trong loạt con số thống kê cho thấy những kết quả nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đạt được trong năm 2023, tôi khá ấn tượng với tỷ lệ giảm nghèo 4,19%.

1. Cũng xin được giải thích, sở dĩ tôi ấn tượng với con số này là vì nó nói lên sự nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị khi triển khai các chính sách giảm nghèo trong điều kiện có nhiều thách thức, khó khăn.

Nó cũng phản ánh rõ khát khao giảm nghèo của các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Và chỉ cần có cơ hội, có sự hỗ trợ, họ sẽ nắm bắt tốt cơ hội, tận dụng hiệu qủa sự hỗ trợ để vươn lên.

Theo Quyết định số 654/QĐ-UBND ngày 27/12 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2023 thì số hộ thoát nghèo trong năm là 6.258 hộ, tương ứng 4,19%.

Tất nhiên, để có được con số khá ấn tượng ấy, trước hết phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, sự tích cực và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai chủ trương, chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Phần lớn hộ nghèo có ý chí vươn lên. Ảnh: H.L

 

Đặc biệt, để tạo sinh kế cho hộ nghèo nói chung và hộ nghèo DTTS nói riêng, tỉnh đã triển khai hiệu quả 3 chương trình MTQG, gồm: Giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025); phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021-2025); xây dựng nông thôn mới.

Hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng địa phương đã được đầu tư cho các dự án, công trình, từ đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Xuất phát từ nguyện vọng của các hộ nghèo, các ngành, địa phương có cơ chế, chính sách ưu tiên cho việc thực hiện các hình thức hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm đối tượng.

Theo đó, với nhóm hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn từ các chính sách, dự án để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thực hiện hỗ trợ bằng vốn vay; đối với nhóm hộ nghèo thiếu đất sản xuất thì hỗ trợ khai hoang, phục hóa đất sản xuất, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, dạy nghề; đối với nhóm hộ nghèo có người ốm đau kinh niên, mất sức lao động thì vận động cộng đồng, doanh nghiệp giúp đỡ.

Riêng đối với nhóm hộ nghèo ỷ lại, chây lười lao động, đã phát huy tối đa vai trò của các đoàn thể trong việc vận động, giáo dục; phân công đảng viên có trách nhiệm, uy tín trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn để thay đổi nhận thức, tích cực lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân mình và gia đình.

Tiếp đến là khát vọng thoát nghèo từ chính hộ nghèo. Có thể khẳng định rằng, người nghèo, hộ nghèo đã không còn e ngại, tự ti và lo lắng nữa, mà sẵn lòng tham gia, chủ động tham gia hành trình giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo, bởi thực tế cho thấy, hầu hết hộ nghèo tham gia những mô hình này đã thoát nghèo bền vững.

2. Cho đến bây giờ, dù đã hơn 20 năm trôi qua, kể từ khi gia nhập “mái nhà chung” Báo Kon Tum, tôi vẫn giữ được thú vui nho nhỏ của mình là xuất hành năm mới bằng một chuyến lang thang để nghe “thiên hạ” bàn chuyện làm ăn.

Thích nhất là sà vào một bếp lửa nào đó, háo hức nghe lỏm chủ nhà và khách bàn chuyện thoát nghèo, làm giàu.

Có người nói, chuyện ấy thì năm nào chẳng có, năm nào chẳng nói, có gì khác đâu. Đúng là cái nghèo, và bàn chuyện thoát nghèo của người dân xứ mình thì năm nào chẳng có, ngày nào chẳng có thật, nhưng nghe vào những ngày đầu năm mới thì vẫn thú vô cùng.

Ở trong câu chuyện ấy, ở mỗi nhà lại có một phong vị khác. Bồn chồn, lo lắng, háo hức, quyết tâm, cầu mong, tin tưởng. Đủ cả.

Và tôi thấy vui vui với ý nghĩ, hẳn đã có rất nhiều gia đình, rất nhiều  phận nghèo đã vươn lên, đã rũ bỏ cái nghèo từ những câu chuyện rì rầm bên mâm cơm, bên bếp lửa hay những lúc vắt tay lên trán đêm khuya.

Điều quan trọng là phải chiến thắng chính mình- rất nhiều lần, tôi được nghe câu nói tâm huyết ấy từ những cán bộ làm công tác giảm nghèo, từ chính những hộ nghèo.

Không phải ngẫu nhiên mà có câu nói ấy. Bây giờ chính sách giảm nghèo đủ mạnh, đủ sát, nhưng vì sao vẫn còn nhiều hộ nghèo?

Trồng chanh dây cho thu nhập cao. Ảnh: HL

 

Đó là vì còn nhiều hộ gia đình chưa chí thú làm ăn, thiếu mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm. Bởi vậy, muốn thoát nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ khá, giàu giúp đỡ, bản thân hộ nghèo phải có ý chí vươn lên, tích cực lao động sản xuất, phải chiến thắng chính mình.

A Lun (huyện Sa Thầy) từng là một hộ nghèo kinh niên. Nhưng nay đã không còn phải lo lắng mỗi mùa giáp hạt, bởi gia đình anh đã chính thức thoát nghèo, có nhà mới, lúc nào cũng còn lúa còn gạo trong nhà, chuyện mà trước đây có mơ cũng không tới.

Tất cả bắt đầu từ sự vận động của chính quyền và sự thay đổi nếp nghĩ, không còn e dè, mất tự tin nữa, mà dám vay vốn để đầu tư thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Thay vì chỉ trồng mì và đi làm thuê, A Lun trồng chanh dây. Loại cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng mì. Với gần 1ha chanh dây, mỗi năm gia đình A Lun thu hàng trăm triệu đồng.

Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ việc mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc. Đây thật sự là cuộc “cách mạng” trong tư duy của hộ nghèo.

Dù không đi được hết, nghe được hết câu chuyện tìm hướng thoát nghèo của hộ nghèo, nhưng tôi tin rằng, ở đâu bà con cũng mong ước và tin tưởng vào tương lai.

Và tôi càng tin rằng, họ sẽ không ngừng nỗ lực!   

Hồng Lam

Chuyên mục khác