Đầu năm “vất vả” để cuối năm “thong thả”

28/12/2023 06:48

Thực trạng chung nhiều năm nay trong giải ngân vốn các chương trình MTQG là đầu năm thong thả, nên đến cuối năm lại vất vả, chạy tiến độ đến “bở hơi tai”. Vì vậy, bước sang năm 2024, yêu cầu đặt ra là phải xác định rõ đầu năm “vất vả” để cuối năm “thong thả”.

Ngay sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, trong đó sớm hoàn thành công tác kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc các cấp, cơ bản đảm bảo cho công tác điều hành và tổ chức thực hiện.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta được Trung ương phân bổ, giao chung cả 3 chương trình MTQG là 2.888 tỷ đồng và ngân sách địa phương đối ứng 688 tỷ đồng.

Trong đó, riêng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là 1.097.627 triệu đồng (vốn Trung ương 934.568 triệu đồng, vốn địa phương 81.859 triệu đồng, vốn tín dụng 81.200 triệu đồng); vốn đầu tư Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (ngân sách Trung ương) là 206.292 triệu đồng; vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 314.331 triệu đồng.

Triển khai quyết liệt các dự án từ 3 chương trình MTQG. Ảnh: HL

 

Theo UBND tỉnh, khi thực hiện các chương trình MTQG năm 2023, tỉnh ta có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn, gay gắt hơn.

Những khó khăn, thách thức đã có tác động không nhỏ tới quá trình triển khai các dự án cũng như tiến độ giải ngân. Báo cáo của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XII (diễn ra đầu tháng 12/2023) cho biết, kết quả giải ngân (đến ngày 31/10/2023) của cả 3 chương trình MTQG không như kỳ vọng.

Trong đó, giải ngân vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 40,97% (tương ứng 449.669 triệu đồng); giải ngân vốn Chương tình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 54,18% (tương ứng 111.768 triệu đồng); giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ ngân sách Trung ương chỉ đạt 30,59% (tương ứng 87.764 triệu đồng).

Cũng theo UBND tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đồng hành, giám sát của HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương và sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân, các chương trình MTQG đã được triển khai đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu theo quy định.

Kết quả là kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên khó khăn khách quan chung mà tỉnh gặp phải là những vướng mắc liên quan đến tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách quản lý, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình MTQG của bộ, ngành Trung ương chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến việc triển khai các khâu phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, giải ngân vốn.

Bên cạnh đó, một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc 3 chương trình MTQG có sự trùng lắp về mục tiêu, nội dung, đối tượng, chưa sát với thực tế. Vì thế, mặc dù một số địa phương đã tích cực, chủ động nghiên cứu, có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, nhưng vẫn khó cải thiện tình hình.

Về chủ quan, vẫn có tình trạng e dè, chưa dám nghĩ, dám làm; người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, chưa thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Công tác giải phóng mặt bằng vướng, dẫn đến tiền chờ công trình, tiến độ thi công chậm.

Dù vậy, cũng cần phải khẳng định rằng, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là rất đáng trân trọng. Đó là thành công, thành quả đến từ sự nỗ lực, quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, và cộng đồng doanh nghiệp.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình MTQG năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành là phải bắt tay vào triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, trong đó cần khắc phục tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Các chương trình MTQG góp phần làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS. Ảnh: HL

 

Muốn như vậy, UBND tỉnh cần giao rõ trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn.

Các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, quyết liệt trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG. Rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo, cơ quan giúp việc ban chỉ đạo các cấp; tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan đơn vị cấp tỉnh và các địa phương và ban chỉ đạo các cấp. Làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan, người đứng đầu các đơn vị, địa phương đối với những tồn tại, hạn chế do chủ quan để có hướng khắc phục.

Tập trung giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thúc đẩy việc triển khai có hiệu quả các chương trình.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát động phong trào thi đua chung tay vì người nghèo, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.                   

Hồng Lam

Chuyên mục khác